(LĐ online) - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Vì thế, đây còn được gọi là Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 là kết quả của sự kế thừa các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó những lần sửa lớn là vào năm 1980, 1992, 2013 với quy trình thực hiện rất chặt chẽ.
Và với lần này, việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo đúng nguyên tắc, khi tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chúng ta phải tính đến và triển khai việc sửa Hiến pháp năm 2013. Bởi lẽ với chủ trương, quyết định bỏ cấp huyện, Hiến pháp đã quy định rõ về các cấp đơn vị hành chính. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp thì chắc chắn phải điều chỉnh các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, liên quan các cấp hành chính, các cấp chính quyền, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp chính quyền đang từ 3 cấp sang 2 cấp. Đây đều là những việc quan trọng tất yếu phải triển khai để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Thế nhưng, trong những ngày qua, một số tổ chức phản động như Việt Tân, đài VOA tiếng Việt, RFA, RFI… cũng như một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản động trong và ngoài nước lại vẫn chiêu bài cũ, cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Chính phủ, Quốc Hội nước ta về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Đầu tiên phải nói đến đó là chiêu bài mà chúng “nhai đi nhai lại” từ rất nhiều năm nay và thời gian này lại ráo riết tung ra đó là “đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013”. Chúng “hô hoán” lên rằng: “Nếu sửa đổi Hiến pháp liệu CSVN có dám bỏ Điều 4 không?”, “Để đảm bảo quyền làm chủ của người dân thì Hiến pháp mới cần bỏ Điều 4 Hiến pháp”, “Sửa Hiến pháp: yêu cầu bỏ Điều 4 để nhân dân được tự do chính trị”, “Xóa điều 4 Hiến pháp để mọi người dân có quyền tham gia tự do ứng cử và bầu cử”…
Những luận điệu này đã thể hiện rõ âm mưu chống phá của chúng và thực chất âm mưu này là đòi là xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng… Nhìn vào, chúng ta thấy rõ những lời lẽ trên là vô căn cứ, là suy diễn chủ quan, là âm mưu chống phá. Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có lẽ sẽ là mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch, đặc biệt là các đối tượng phản động. Vì vậy, cần đấu tranh bác bỏ âm mưu của chúng một cách kịp thời, hiệu quả và triệt để.
Thứ hai là, chúng xuyên tạc rằng “Chuyện sửa đổi Hiến pháp chẳng qua là trò mị dân” và việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp chỉ là “Trò làm màu tốn thời gian”; và rằng “Quốc Hội lại nổ: lấy ý kiến dân để sửa Hiến pháp”; “sửa đổi Hiến pháp sẽ hỏi ý kiến dân… nhưng dân đó là ai thì không ai rõ”; “lâu lâu lại nhớ tới dân còn tồn tại, nên lên ít thông tin để mị dân, để cho dân nghĩ rằng dân vẫn còn có giá trị, được quyền lên tiếng và đóng góp ý kiến cho chính quyền”; rồi chúng “vống lên”: “Trả lại đây cho nhân dân tôi. Quyền tự do, quyền con người. Quyền được nhìn, được nghe, được nói. Quyền được chọn chân lý tự do”…
Những lời lẽ trên thực chất là gì? Thực chất, chúng đang tìm mọi cách để chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta với hy vọng viễn vông mà chúng vẽ ra, rồi cố tình gây mất đoàn kết trong Đảng, gây nghi ngờ trong Nhân dân nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Căn cứ theo Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp:… Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.
Rõ ràng, việc sửa Hiến pháp sẽ phải tiến hành lấy kiến Nhân dân. Dự kiến, việc sửa Hiến pháp lần này sẽ lấy ý kiến Nhân dân trong 1 tháng, tổng hợp trong 5 ngày, thời gian lấy ý kiến diễn ra trong tháng 5, tháng 6.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Ngoài các phiên họp theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đối với phiên thảo luận tại Hội trường về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Như vậy, mọi người dân ngoài việc được lấy ý kiến với quy trình tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, khách quan, tuân thủ các quy trình, thủ tục và đảm bảo sẽ lấy được đa dạng, đầy đủ ý kiến của các tầng lớp Nhân dân; còn được theo dõi phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Điều này càng khẳng định: Không có chuyện “mị dân” trong việc sửa Hiến pháp và lấy ý kiến Nhân dân như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch suy diễn trong những ngày qua.
Hiến pháp là đạo luật gốc, rất quan trọng của mỗi quốc gia và việc sửa đổi Hiến pháp chính là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của đất nước. Việc nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện tại Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một bước đi phù hợp với xu thế cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhất là khi đất nước đang nỗ lực chuyển mình, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển phồn vinh và hạnh phúc.
Việc sửa Hiến pháp để cải cách bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đang được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành tiến hành khẩn trương, trách nhiệm, đúng quy trình, quy định. Vì vậy, trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, mỗi người chúng ta cần hết sức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh ngăn chặn kịp thời, không để lây lan thành dư luận xấu trong xã hội và gây hoang mang trong Nhân dân.
SONG HOÀNG