Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy
4 giờ trướcBài gốc
Công tác cán bộ và tổ chức bộ máy là then chốt
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ (CB) là cái gốc của mọi công việc”(*), “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do CB tốt hay kém”. Đảng ta đã xác định: “CB là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Công tác CB là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Công tác tổ chức bộ máy là then chốt của then chốt, đặc biệt là tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng cơ cấu đội ngũ CB có đủ phẩm chất và năng lực xứng tầm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, đột phá đối với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, khát vọng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết (NQ) số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (NQ18). Đến nay, việc triển khai, thực hiện NQ18 đã đạt một số kết quả, song thực sự vẫn chưa được như mong muốn.
Việc tinh gọn lần này tiến hành đồng bộ từ trên xuống, theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị giờ đây là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và trở thành mệnh lệnh tất yếu của cuộc sống; tinh gọn cho “nhẹ để cất cánh” hoặc “thà ít mà tốt”.
Những luận điệu vu cáo, xuyên tạc
Lợi dụng việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết liệt triển khai, thực hiện chủ trương tiếp tục thực hiện NQ18 nhằm chuẩn bị tốt về mọi mặt tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026, để đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các thế lực thù địch, tổ chức phản động như Việt Tân, News,... các đài Châu Á tự do, RFI, Việt Nam thời báo,... tiếp tục chiêu trò, “lý luận” xuyên tạc cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn hệ thống chính trị ở Việt Nam chỉ là dân túy, mục đích “chia ghế” để “sau này có phiếu thông qua các quyết sách quan trọng”. Chúng rêu rao rằng, việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức vì “mấy năm gần đây cứ ra rả, nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu “tinh giản biên chế”, bởi bộ máy hành chính vừa nhiều, vừa vô dụng, kém chất lượng…” nhưng thực ra chỉ là “giảm chỗ này, phình chỗ khác”, còn về bản chất thì “cơ cấu bộ máy, nhân sự không hề khác nhau”.
Nguy hiểm hơn, các phần tử chống đối còn dùng chiêu trò thâm độc nhằm vu khống, cố tình bóp méo sự thật, thiếu tư duy logic, đưa ra những quan điểm không đồng thuận, đánh tráo khái niệm, phủ nhận bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam. Qua đó, gây hoang mang dư luận, với mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Nhiều năm qua, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được Đảng và Nhà nước ta triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta chứ không phải “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ” hay “làm cho có”, “mang tính hình thức” như các thế lực thù địch đang cố tình bôi nhọ, xuyên tạc.
Thực tiễn chứng minh, tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam luôn có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn "ôm đồm" nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,... Chính vì vậy, đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo,...
Sau 40 năm đổi mới đất nước đang mang đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. NQ Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.
Giải pháp đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc tinh gọn bộ máy
Để đấu tranh phản bác hiệu quả các luận điệu vu cáo, xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy, cần thực hiện giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của CB, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện NQ18 và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương.
Thứ hai, mỗi CB, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần trang bị kỹ năng nhận diện những quan điểm sai trái để tránh bị lôi kéo bởi các luận điệu xuyên tạc; chủ động nắm rõ tình hình, dư luận xã hội, những thông tin bịa đặt với mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch nhằm đề ra giải pháp đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, chiêu trò bẻ cong dư luận trên các trang mạng xã hội từ sớm, từ xa.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá CB,... theo hướng việc tìm người; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá CB.
Thứ tư, báo chí và các phương tiện truyền thông kịp thời phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tinh gọn bộ máy để Nhân dân thông suốt, hiểu rõ mục tiêu, lộ trình và phương pháp triển khai, thực hiện nhằm tạo sức đề kháng “miễn dịch” trước mưu đồ nguy hiểm, thâm độc của các phần tử phản động.
Thứ năm, đổi mới tư duy, phong cách, văn hóa làm việc của đội ngũ CB, đảng viên, công chức, viên chức với phương châm trách nhiệm, liêm chính, mẫu mực, tận tụy, phục vụ nhân dân; khuyến khích tinh thần “7 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung).
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị, địa phương, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước.
Thứ bảy, xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng của CB, công chức, viên chức, khuyến khích tinh thần học hỏi, đổi mới thích ứng với sự thay đổi nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bộ máy tinh gọn và hiệu quả.
Thứ tám, tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB theo hướng chuyên môn hóa cao.
Thanh Hoàng - Mỹ Phương
------------------------------------------------
(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.309.
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/canh-giac-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-chu-truong-tinh-gon-bo-may-a189805.html