Lực lượng chức năng tuyên truyền về luật an ninh mạng cho các em học sinh (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
Lừa giáo viên mở tài khoản ngân hàng, thuê bao
Bộ GD&ĐT có công văn gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ quán triệt việc thực hiện nghiêm túc những quy định về an ninh mạng và cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản.
Bộ GD&ĐT đặc biệt cảnh báo thủ đoạn lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Giả mạo nhân viên trường học yêu cầu bổ sung thông tin dự thi tốt nghiệp
Trường Trung học phổ thông Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TP HCM) mới phát đi thông báo khẩn đến toàn thể phụ huynh học sinh lớp 12 về một thủ đoạn lừa đảo mới nhắm vào phụ huynh có con em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường cho biết, một số phụ huynh nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ người lạ, tự xưng là nhân viên nhà trường, thông báo rằng thông tin đăng ký dự thi của học sinh chưa chính xác và yêu cầu phụ huynh cập nhật thông tin để bổ sung hồ sơ, thủ tục gấp trong ngày. Sau đó, người này yêu cầu phụ huynh liên hệ với một số điện thoại do đối tượng này cung cấp, giới thiệu liên hệ của Công an phường để hỗ trợ phụ huynh điều chỉnh, cập nhật.
Có một số phụ huynh đã đến trực tiếp Công an phường để làm việc, nhưng cũng có phụ huynh vì quá lo lắng cho con, nên đã làm theo yêu cầu của đối tượng mạo danh, gọi vào số điện thoại được cung cấp. Ngay sau khi gọi vào số điện thoại này thì có một đối tượng khác, tự xưng là Công an phường và hướng dẫn phụ huynh cài đặt căn cước công dân mức độ 2 cho con bằng cách cập nhật vào đường link lạ do đối tượng này cung cấp.
Khi phụ huynh truy cập vào đường link và thực hiện các thao tác như quét khuôn mặt, số tiền trong tài khoản ngân hàng của họ bị chiếm đoạt. Có phụ huynh trong trường đã bị kẻ xấu chiếm đoạt 10 triệu đồng. Sau đó phụ huynh đã thông báo cho nhà trường và đã trình báo sự việc tới cơ quan Công an.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình cho rằng, điều đáng lo ngại là các đối tượng lừa đảo nắm rõ thông tin cá nhân của học sinh như tên, lớp, trường, khiến phụ huynh dễ tin tưởng. Nhà trường khẳng định mọi thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được thông báo trực tiếp tại trường và thông qua giáo viên chủ nhiệm.
Phụ huynh được khuyến cáo không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người lạ qua điện thoại hoặc đường link không rõ nguồn gốc. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, phụ huynh nên liên hệ ngay với nhà trường hoặc cơ quan Công an để được hỗ trợ kịp thời.
Minh Trang