Ca mắc viêm não mô cầu điều trị tại cơ sở y tế.
Hiện nay, thời tiết các tỉnh miền Bắc bắt đầu nắng nóng, là thời điểm các bệnh viêm não có nguy cơ gia tăng. Vừa qua, nhiều địa phương đã ghi nhận các ca mắc não mô cầu, có ca tử vong, đáng quan ngại là bệnh diễn biến nguy hiểm nhanh và có thể lây lan thành dịch.
Ths.BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Khả năng lây lan của vi khuẩn não mô cầu kinh khủng. Với bệnh viện, khi ghi nhận bệnh nhân não mô cầu là phải kích hoạt tình huống báo động, bố trí cách ly bệnh nhân, có các luồng vận chuyển riêng giống như bệnh nhân sởi để tránh lây nhiễm chéo”.
Cả người lớn và trẻ em đều có thể lây nhiễm não mô cầu. Khả năng lây lan của bệnh viêm não mô cầu không thua kém bệnh sởi. Vì thế, nếu không có kiểm soát, xử lý tốt khi có ca bệnh, nguy cơ có thể lây lan thành các cụm dịch nhỏ.
Về phòng lây nhiễm bệnh viêm não mô cầu, theo Ths.BS Nguyễn Sỹ Đức, với những người chưa được tiêm vaccine não mô cầu, nếu có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh này hoặc có nguy cơ, sẽ phải dùng thuốc dự phòng. Nếu chủ quan, bỏ qua việc kiểm soát, dự phòng cho những người có nguy cơ có thể xảy ra các ổ dịch.
Vi khuẩn viêm não mô cầu có nhiều chủng, thường được tìm thấy trong đường hô hấp. Tuy không phải chủng nào cũng có khả năng gây bệnh, nhưng nếu xuất hiện chủng gây bệnh sẽ khiến những người chưa có kháng thể có nguy cơ lây mắc và lây cho người khác. Nghiên cứu cho thấy có tới 5–25% người lành mang vi khuẩn này trong mũi họng không biểu hiện triệu chứng.
Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc giọt bắn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Các triệu chứng của viêm não mô cầu thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện như: Sốt, đau đầu, đau họng, buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện ban xuất huyết hoại tử hình sao trên da. Nếu tiến triển nặng, bệnh nhân có thể hôn mê, co giật, mất ý thức, nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng.
Những đối tượng dễ mắc viêm não mô cầu nhất là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, thanh thiếu niên và người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh dễ bùng phát ở môi trường tập thể như trường học, ký túc xá, khu công nghiệp...
Để phòng bệnh hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo: Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người bệnh và sử dụng thuốc dự phòng nếu có nguy cơ phơi nhiễm. Do bệnh diễn tiến nhanh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc