Cảnh giác với chiêu thức dùng dấu tick xanh Facebook để lừa đảo

Cảnh giác với chiêu thức dùng dấu tick xanh Facebook để lừa đảo
7 giờ trướcBài gốc
Trong khi người dùng vẫn tin vào sự “chính chủ” của dấu tick xanh thì kẻ gian lại biến nó thành công cụ đánh vào lòng tin để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dùng.
Việc mua, bán dấu tick xanh được công khai trên các hội nhóm mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình
Dấu xác thực thành... mồi nhử
Một thủ đoạn đang nổi lên trong thời gian gần đây là lập fanpage giả mạo các công ty du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhằm đánh vào nhu cầu thư giãn, khám bệnh kết hợp nghỉ ngơi của người lớn tuổi. Các fanpage này thường lấy tên gần giống với các thương hiệu uy tín như: Du lịch Sức khỏe miền Nam, Trung tâm Nghỉ dưỡng cao cấp Biển Ngọc, Tour an dưỡng dành cho người cao tuổi..., kèm theo hình ảnh đẹp mắt, đồng phục nhân viên chuyên nghiệp và logo gắn dấu tick xanh vốn khiến nhiều người lầm tưởng là “trang chính chủ”.
Đối tượng mà các fanpage này nhắm đến chủ yếu là người lớn tuổi, ít tiếp cận mạng xã hội và thiếu kỹ năng nhận diện các thủ đoạn lừa đảo. Lợi dụng tâm lý muốn nghỉ ngơi, khám sức khỏe trong môi trường “cao cấp” của người dùng, các đối tượng xấu đưa ra lời mời gọi hấp dẫn như: “tour có bác sĩ đi cùng”, “miễn phí khám tổng quát, tặng quà”, “chỉ cần chuyển khoản giữ chỗ, có xe đưa đón tận nhà”… nhằm lừa đảo khách hàng.
Bà T.T.N. (ngụ phường Phước Tân) kể: “Tôi thấy trang có dấu tick xanh, hình ảnh rất chuyên nghiệp, có cả giấy phép công ty, logo, đồng phục... nên gọi hỏi thông tin. Người quản lý trang đó nói tôi là khách đặc biệt, sẽ được ưu đãi nếu chuyển khoản giữ chỗ sớm. Tôi tin tưởng nên chuyển 2 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng họ cung cấp. Nhưng sau đó thì không liên hệ với họ được nữa”.
Anh Hồ Đình Lực, Trưởng phòng Digital Marketing tại Công ty TNHH Rainbow Production (đóng tại phường Long Bình), cho biết hiện nay, việc để có dấu tick xanh trên nền tảng Facebook không còn quá khó. Chỉ cần bỏ khoản phí vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng là có thể xác minh fanpage hoặc tài khoản cá nhân theo gói dịch vụ Meta Verified. Một số đơn vị còn nhận dịch vụ tăng tương tác ảo cho các bài đăng như: bình luận, chia sẻ, lượt thích... để tạo cảm giác uy tín và thu hút người xem.
Thực tế, một số cửa hàng và thương hiệu kinh doanh nhớt cũng bị mạo danh để lừa đảo. Một số trang giả mạo còn đăng tải logo, địa chỉ và số điện thoại của các đại lý nhớt uy tín nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Nhân viên bán hàng của một cửa hàng phân phối dầu nhớt tại Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi từng phát hiện một fanpage lạ sử dụng hình ảnh sản phẩm và bảng giá ưu đãi của cửa hàng đăng lên như thật, thậm chí còn lấy cả tên nhân viên kỹ thuật bên tôi để trả lời bình luận. Khi một khách hàng gọi đến hỏi lại đơn đã chuyển khoản đặt mua 4 lít nhớt, chúng tôi mới hay họ bị lừa vì hàng không được gửi và số điện thoại kia không còn liên lạc được”.
Dấu tick xanh không còn là bảo chứng
Anh Hồ Đình Lực chia sẻ thêm, dấu tick xanh và lượt tương tác trên mạng xã hội dễ dàng mua, bán chính là kẽ hở khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa, nhất là khi các fanpage lừa đảo đầu tư nội dung bài bản, hình ảnh chỉn chu và có dấu tick xanh nổi bật. Nhiều người vẫn mặc định dấu tick xanh là chứng nhận chính chủ của Facebook, nhưng họ không biết rằng hiện nay bất kỳ ai cũng có thể mua được nếu đáp ứng các điều kiện cơ bản. Do đó, nếu chỉ nhìn vào dấu tick xanh để đánh giá độ tin cậy thì rất dễ rơi vào bẫy của những chiêu trò mạo danh.
Theo anh Lực, hiện có tình trạng các đối tượng mua lại các fanpage cũ có sẵn lượng người theo dõi lớn, sau đó đổi tên, chỉnh sửa thông tin, mạo danh các tổ chức, nhãn hiệu hoặc trung tâm giáo dục uy tín. Kế tiếp, họ thuê dịch vụ gắn dấu tick xanh hoặc mua gói Meta Verified để tăng độ tin cậy. Với vỏ bọc chuyên nghiệp và nội dung quảng cáo được đầu tư, người dùng nếu không cảnh giác sẽ dễ sập bẫy lừa đảo.
Theo khuyến nghị từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), người dân cần cảnh giác khi giao dịch qua mạng. Cụ thể, không nên chỉ tin vào dấu tick xanh, mà cần kiểm tra thêm những thông tin quan trọng như: có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng không; fanpage hay trang cá nhân đăng bài đã lâu chưa; lịch sử tương tác (bình luận, chia sẻ, like) có thật hay không; tài khoản có giấy phép hoạt động hợp pháp hay không. Ngoài ra, khi gặp fanpage có dấu hiệu vội vàng chốt đơn hoặc thúc giục chuyển khoản, tốt nhất là không chuyển tiền trước nếu chưa xác minh kỹ.
“Người dùng nên kiểm tra kỹ fanpage trước khi tương tác, đặc biệt là khi có giao dịch tài chính. Tuyệt đối không chuyển khoản chỉ vì thấy có dấu tick xanh hoặc vài dòng cam kết. Trong môi trường mạng xã hội, càng dễ tin thì càng dễ mất” - anh Hồ Đình Lực nhấn mạnh.
Nếu nghi ngờ fanpage giả mạo, người dùng nên báo cáo (report) ngay trên nền tảng Facebook để được kiểm tra và gỡ bỏ. Trường hợp phát hiện bị lừa đảo, cần trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để có cơ sở pháp lý nhằm điều tra, truy vết đối tượng lừa đảo. Đây là các bước cần thiết để chủ động bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Lê Duy
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202507/canh-giac-voi-chieu-thuc-dung-dau-tick-xanh-facebook-de-lua-dao-2cb3373/