Việc các đối tượng xấu giả danh nhân viên shipper để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng đã không còn xa lạ. Trong đó, phổ biến là đối tượng xấu lấy cắp thông tin của khách hàng và các cửa hàng, facebook bán hàng trực tuyến mà khách hàng hay đặt mua, từ đó giả mạo là shipper của các đơn vị giao hàng uy tiến trên địa bàn như Giao hàng tiết kiệm, Viettel Post, Bưu điện, Giao hàng nhanh... để gọi điện thông báo giao đơn hàng. Khi nhận hàng, do quy định của nhiều cửa hàng là “không cho khách xem hàng” nên người mua chủ quan không xem kỹ thông tin đơn hàng hoặc nhờ người quen, hàng xóm nhận hàng và thanh toán hộ. Vì thế, khi hàng về tay, nhiều người mới phát hiện bị lừa vì sản phẩm nhận được không có giá trị sử dụng như quần áo cũ, rách nát. Một số đối tượng còn lợi dụng tâm lý của khách hàng là ham đồ khuyến mại, quà tặng tri ân từ các thương hiệu, cửa hàng lớn để gọi điện thông báo khách hàng được cửa hàng tri ân, gửi quà tặng miễn phí nhân các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày thành lập và khách hàng chỉ phải mất phí ship từ 30-50.000 đồng. Mất tiền phí giao hàng, người tiêu dùng nhận được là những chai nước hoa, lọ mỹ phẩm giả mạo thương hiệu, không thể sử dụng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi thông báo có đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản thanh toán của nhân viên giao hàng. Ảnh minh họa
Mặc dù đã được cảnh báo nhưng trong thời gian gần đây, chiêu thức giả danh shipper để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng đã trở lại và bùng phát mạnh mẽ với nhiều biến tướng, phương thức lừa đảo tinh vi hơn, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân là do các đối tượng lừa đảo nắm bắt được thói quen mua sắm online, phương thức giao nhận hàng phổ biến của người dân; đồng thời thu thập được thông tin về họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Thời điểm thực hiện thường là vào giờ hành chính, khi người dân đi làm không có nhà. Kẻ xấu giả danh là shipper gọi điện thông báo khách có đơn hàng, trị giá đơn hàng và hỏi khách hàng có ở nhà không để giao hàng. Khi khách trả lời có nhà và nhận được hàng, đối tượng sẽ nhanh chóng tắt máy. Trong trường hợp khách hàng không có nhà, shipper sẽ nói đã để đồ qua cửa nhà hay gửi hàng xóm nhận hộ và gửi số tài khoản ngân hàng để khách chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Thậm chí, chúng còn dùng thủ đoạn tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đã đến giờ thanh toán tiền đơn hàng với công ty, nếu không chuyển khoản sớm thì đơn hàng sẽ bị hủy. Trên thực tế, từ phương thức lừa đảo này, các đối tượng đã chiếm đoạt được của người dân từ vài chục, vài trăm nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng.
Chị Trần Thu Hiền, tổ 2, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho hay: Những năm gần đây, hầu hết quần áo, giày, dép của các thành viên trong gia đình đều do tôi đặt mua online ở nhiều trang mạng khác nhau. Có những đơn hàng thì tôi phải chuyển khoản thanh toán đủ trước khi cửa hàng gửi đồ, cũng có đơn hàng thì khi nhận đồ mới phải trả tiền. Có lần, vì chủ quan nên tôi đồng ý cho nhân viên giao hàng để hàng qua cửa nhà và chuyển khoản thanh toán luôn. Lần đó, tôi đã mất gần 400.000 đồng mà chẳng hề có đơn hàng nào trong nhà cả.
Cũng như chị Hiền, nhiều người bị mất tiền trước chiêu trò của các đối tượng lừa đảo nhưng vì ngại phiền phức và số tiền mất không quá lớn nên đã không trình báo cho cơ quan chức năng. Theo phản ánh của nhiều người dân, không chỉ dừng lại ở việc lừa đảo, chiếm đoạt vài chục nghìn đồng hay vài trăm nghìn đồng, nhiều đối tượng shipper giả danh sau khi nhận được tiền chuyển khoản của người dân còn tiếp tục giở chiêu trò khác tinh vi hơn bằng việc nhắn tin hay gọi điện lại cho khách hàng để thông báo là đã gửi nhầm số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper của đơn vị giao hàng và cho biết sau khi chuyển tiền thành công tới số tài khoản đó, khách hàng đã trở thành hội viên của đơn vị giao hàng và mỗi tháng tài khoản của khách sẽ tự động bị trừ 2-3 triệu đồng phí tham gia làm hội viên.
Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của người bị hại, đối tượng lừa đảo nhiệt tình hướng dẫn khách cách hủy đăng ký hội viện bằng việc truy cập vào đường dẫn liên kết (đường link) do đối tượng gửi đến và thực hiện các bước hủy. Khi bấm vào đường link này và nhập các thông tin cá nhân cần thiết, điện thoại của nạn nhân có nguy cơ bị nhiễm mã độc và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử…
Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác khi mua hàng online, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng; khi mua hàng, người dân nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở công khai trên mạng xã hội; tuyệt đối không bấm vào các đường link do người lạ gửi tới. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng ngay giao dịch và cung cấp thông tin vụ việc cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Nguyễn Oanh