Phổi nằm ở vị trí nào trong lồng ngực hay phổi nằm ở đâu là điều trước tiên bạn cần biết trước khi tìm hiểu về nguyên nhân gây ra cơn đau phổi là bệnh gì.
Vậy phổi nằm ở đâu? Phổi nằm trong khoang lồng ngực, một không gian rỗng trong ngực chứa phổi, tim, thực quản và các mô và cấu trúc hỗ trợ, bao gồm cơ, mạch máu, hệ thống xương sườn, xương ức, xương đòn và dây thần kinh. Ở giữa hai lá phổi là khí quản. Nằm bên dưới phổi là cơ hoành chia tách phổi với các cơ quan lân cận gồm gan, lá lách và dạ dày.
Theo giải phẫu học thì phổi nằm trong lồng ngực, lần lượt 2 lá phổi sẽ nằm đều ở cả 2 bên lồng ngực trái và lồng ngực phải của cơ thể (trong đó, phổi phải nằm ở lồng ngực phải, phổi trái nằm ở lồng ngực trái). Nếu nhìn từ hướng phía trước thì bạn có thể thấy phổi được giới hạn trong khoảng cách từ xương quai xanh đến dưới xương sườn số 6.
Cơn đau phổi là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Ảnh: ST
1. Cơn đau phổi là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau phổi. Một số nguyên nhân đau phổi có thể liên quan trực tiếp tới bệnh lý ở phổi (như viêm phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD), trong khi những nguyên nhân gây đau phổi khác có thể liên quan tới thành ngực hoặc cơ (như đau xơ cơ hoặc viêm khớp dạng thấp). Các tình trạng ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận như ở thực quản hoặc ở tim cũng có thể là nguồn gốc gây ra cơn đau phổi, chẳng hạn như hội chứng trào ngược axit hoặc đau thắt ngực.
Việc xác định chính xác đau phổi là đau ở đâu và nguyên nhân gây đau phổi là bệnh gì rất quan trọng trong việc điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, nhất là với những nguyên nhân nguy hiểm.
Đau phổi ở vị trí nào?Cơn đau phổi được mô tả là tình trạng khó chịu ở vùng lưng trên hoặc vùng ngực. Các cơn đau có thể là đau nhói tựa như kim châm hoặc đau âm ỉ, nóng rát vùng ngực. Cơn đau này có thể tăng lên khi ho, hắt hơi hoặc khi người bệnh hít thở sâu.
Theo Health, bất kì nguyên nhân nào tại phổi hoặc do các cơ quan lân cận quanh phổi đều có thể gây ra cơn đau phổi với các mức độ khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra cơn đau phổi phổ biến mà bạn cần chú ý:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn hoặc nấm chẳng hạn như viêm phế quản, COVID-19, viêm phổi và bệnh lao, là những nguyên nhân phổ biến gây ra cơn đau phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm và kích ứng ở đường thở và mô phổi, dẫn tới đau tức ở ngực và đau phổi có thể trở nên tồi tệ hơn khi thở, ho hoặc hắt hơi.
Bất kì nguyên nhân nào tại phổi hoặc do các cơ quan lân cận quanh phổi đều có thể gây ra cơn đau phổi (Ảnh: ST)
Tùy thuộc vào từng loại nhiễm trùng đường hô hấp cũng như mức độ nghiêm trọng mà cơn đau phổi có thể là đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau như bị đâm. Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp thường là: Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, ho có đờm hoặc ho ra dịch nhầy màu hồng/đỏ, đau họng, bất thường khi thở như thở hụt hơi, thở rút lõm lồng ngực, thở dốc.
- Viêm màng phổi: Là tình trạng lớp màng mỏng bao quanh phổi bị viêm dẫn tới cơn đau âm ỉ, nhức nhối hoặc nóng rát khi người bệnh hít thở sâu, khi hắt hơi hoặc khi ho. Cơn đau phổi do viêm màng phổi có thể lan tới vai và lưng trên.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng phổi nhưng thường gặp là do nhiễm trùng đường hô hấp, chấn thương vùng ngực, các tình trạng rối loạn tự miễn như bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ, bệnh ung thư.
- Thuyên tắc phổi: Là tình trạng tắc động mạch phổi do cục máu đông (huyết khối) từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới. Cục máu đông ngăn cản quá trình lưu thông máu tới phổi, ở mức độ nghiêm trọng thuyên tắc phổi có thể gây nguy hiểm cho tất cả các cơ quan quan trọng trong cơ thể như não, tim và thận.
Cơn đau phổi do thuyên tắc phổi gây ra đau đớn dữ dội ở một bên, đau tăng lên khi hít thở sâu hoặc khi ho với các triệu chứng thuyên tắc phổi khác như: Khó thở khi hoạt động thể chất và cải thiện khi nghỉ ngơi, nhịp tim nhanh, chóng mặt hoặc ngất xỉu, ho ra máu.
Cơn đau phổi do thuyên tắc phổi gây ra đau đớn dữ dội ở một bên (Ảnh: ST)
Thuyên tắc phổi có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng nguy cơ cao thuyên tắc phổi thường gặp ở bệnh nhân ung thư, người mắc bệnh tim, bệnh phổi hoặc bị béo phì, người ít vận động, người mới phẫu thuật phải nằm trên giường trong thời gian dài, người dùng thuốc hormone như thuốc tránh thai.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh phổi tiến triển kéo dài gây tổn thương đường thở và phổi, hạn chế luồng khí và khiến việc thở trở nên khó khăn. Có tới 54% số người mắc COPD báo cáo là họ gặp phải cơn đau phổi và phát triển cơn đau cơ ở vùng ngực và lưng trên.
Các triệu chứng COPD khác thường gặp gồm: Khó thở, đặc biệt là khi người bệnh hoạt động thể chất; thở nghe thấy tiếng khò khè hoặc tiếng rít; ho mãn tính kéo dài; ngực cảm thấy căng tức như bị đè; mệt mỏi kéo dài.
- Tràn khí màng phổi: Hay còn gọi là xẹp phổi, xảy ra khi không khí thoát ra khỏi phổi, lấp đầy khoảng không giữa phổi và thành ngực. Khi không khí tích tụ trong khoảng không này, áp lực khiến phổi khó mở rộng khi hít vào, khiến phổi xẹp hoàn toàn hoặc một phần. Từ đó gây ra cơn đau ngực đột ngột, dữ dội và đau nghiêm trọng hơn khi người bệnh thở hoặc cử động.
Triệu chứng tràn khí màng phổi khác có thể kể đến như: Thở hụt hơi, da và móng tay có màu tím xanh do thiếu oxy, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim tăng, ho khan.
Chấn thương vùng ngực và các hoạt động liên quan đến thay đổi áp suất không khí đột ngột, như lặn biển hoặc đi máy bay, có thể làm tăng nguy cơ bị xẹp phổi. Tràn khí màng phổi cũng có thể phát triển ở những người mắc một số bệnh phổi, chẳng hạn như xơ nang, hen suyễn, viêm phổi và COPD.
Các bệnh lý tại phổi thường gây ra cơn đau phổi với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau (Ảnh: ST)
- Cơn đau phổi do ung thư phổi: Ung thư phổi phát triển khi các tế bào bất thường ở mô phổi phát triển không kiểm soát được, hình thành khối u. Đau ngực hoặc đau phổi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi, nhưng cách cơn đau này biểu hiện có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân ung thư phổi. Một số người có thể cảm thấy đau ngực âm ỉ hoặc tức ngực nhưng số khác lại cảm thấy đau ở sâu bên trong phổi, cơn đau nghiêm trọng và khó chịu hơn khi hít thở sâu, khi ho hoặc khi cười.
Triệu chứng nhận biết ung thư phổi gồm: Ho dai dẳng và ho ngày một tăng lên dù uống thuốc ho hay các biện pháp giảm ho thông thường khác, bị sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi mãn tính, thở hụt hơi, chán ăn không rõ lý do, khàn giọng, ho ra máu hoặc đờm có màu gỉ sắt, thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Ngoài ung thư phổi thì một số bệnh ung thư khác cũng có thể gây ra cơn đau ở phổi như u trung biểu mô (Mesothelioma), Sarcoma sụn (ung thư sụn - Chondrosarcoma of the chest) là một loại ung thư xương, ung thư thực quản.
- Viêm sụn sườn: Là hội chứng đau ngực gây viêm ở vùng xương sườn nối với xương ức (xương ức). Cơn đau do viêm sụn sườn thường là đau nhói ở một hoặc nhiều xương sườn, thông thường là ảnh hưởng tới bên trái xương ức. Cơn đau có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển, ho, hắt hơi và khi hít thở sâu. Cơn đau cũng có thể có cảm giác tức ngực và đau lan ra cánh tay hoặc vai.
- Viêm màng ngoài tim:Xảy ra khi lớp màng ngoài bao quanh tim bị sưng to và kích ứng, viêm. Viêm màng ngoài tim gây ra cơn đau ngực dữ dội hoặc đau nhói đặc trưng, đau nặng lên khi ho hay hắt hơi, có xu hướng dịu lại khi ngồi dậy và nghiêng người về phía trước. Triệu chứng viêm ngoài tim cấp có thể bao gồm đau ngực lan đến vùng vai trái và cổ.
Triệu chứng viêm ngoài tim cấp có thể bao gồm đau ngực lan đến vùng vai trái và cổ (Ảnh: ST)
- Đau tim: Hay nhồi máu cơ tim là những cơn đau đột ngột và nghiêm trọng tựa như đau thắt ngực, ngực tức như bị tì đè nặng và cơn đau trở nên tệ hơn khi gắng sức. Các triệu chứng đau tim thường gặp khác bao gồm: Đổ mồ hôi lạnh, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, tim đập nhanh và đau lan đến cổ, hàm hoặc vai.
Ngoài các nguyên nhân gây ra cơn đau phổi kể trên thì một số tình trạng ít phổ biến hơn cũng có thể gây ra cơn đau vùng ngực/đau phổi như: Các vấn đề thực quản (viêm thực quản, trào ngược dạ dày - thực quản); bệnh tiêu hóa (bệnh túi mật, bệnh suy thận cấp, viêm loét dạ dày tá tràng); suy tim sung huyết; thoát vị đĩa đệm; bệnh viêm ruột; bệnh viêm tụy; gãy xương sườn; bệnh zona; bệnh hồng cầu hình liềm;...
2. Khi nào đau ở phổi cần thăm khám bác sĩ?
Điều trị cơn đau phổi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Các biện pháp chăm sóc giảm đau phổi tại nhà có thể bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn, các bài tập hít thở sâu hoặc thở bằng cơ hoành có thể giúp cải thiện chức năng và dung tích phổi, nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước, tránh các tác nhân có thể gây kích ứng đường thở và phổi, chẳng hạn như khói thuốc lá và hơi hóa chất, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đau phổi trở nên trầm trọng hơn.
Vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn đau phổi nên tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa về bệnh phổi bất cứ khi nào nếu bạn bị đau phổi dai dẳng, nặng hơn hoặc nghiêm trọng hơn ngay cả khi sử dụng các biện pháp giảm đau tại nhà và nghỉ ngơi đầy đủ. Đặc biệt là khi đau phổi hoặc đau ngực kèm theo các triệu chứng như: Thở hụt hơi, thở khò khè, sốt, ho mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát nhiều lần hoặc mãn tính, chóng mặt hoặc choáng váng, mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Khi nào đau ở phổi cần thăm khám bác sĩ? Ảnh: ST
Trong đó, trường hợp đau phổi hoặc đau ngực đột ngột, dữ dội cùng rối loạn nhịp tim, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, ho ra máu, đau lan từ ngực sang cánh tay, cổ, vai hoặc hàm, buồn nôn và nôn mửa, tiểu không tự chủ,... thì cần nhanh chóng tìm kiếm chăm sóc y tế cấp cứu ngay lập tức, tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Tùy từng trường hợp mà tại cơ sở y tế bác sĩ sẽ thăm khám xem cơn đau phổi là đau ở vị trí nào, thời gian cơn đau kéo dài, điều gì khiến cơn đau giảm nhẹ hoặc tăng nặng lên, môi trường sống và làm việc, tiền sử gia đình, thói quen hút thuốc và chất kích thích,...
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe trong khi bạn thở để nghe xem có tiếng thở khò khè hay bất thường trong kiểu thở không. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhằm hỗ trợ chẩn đoán cơn đau phổi là bệnh gì, chẳng hạn như chụp X-quang chụp CT, chụp MRI; xét nghiệm máu; kiểm tra đánh giá chức năng phổi; nội soi dạ dày, nội soi phế quản; điện tâm đồ;...
Nhìn chung, đau phổi có thể do nhiều nguyên nhân, từ các vấn đề cấp tính (ngắn hạn) như nhiễm trùng đường hô hấp và xẹp phổi đến các bệnh phổi mãn tính (dài hạn) như COPD và ung thư phổi hoặc bệnh lý tại các cơ quan lân cận phổi. Không phải tất cả các nguyên nhân gây đau phổi đều nghiêm trọng, nhưng điều cần chú ý là phải liên hệ với bác sĩ khi có các bất thường đi kèm cơn đau phổi để được can thiệp điều trị sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng.
Nguồn: Health, Very Well Health
Châu Anh