Một trong những thủ đoạn của kẻ lừa đảo là giả danh shipper gọi điện giao hàng - Ảnh minh họa
Theo Bộ Công an, các địa phương xảy ra tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh shipper. Hình thức lừa đảo này tuy không mới, nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị mắc lừa. Các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng từ bình luận, tin nhắn đặt mua công khai trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử… Chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (thường vào giờ hành chính), đối tượng gọi điện thoại, giả danh shipper. Sau đó, nói để hàng trong sân nhà, gửi hàng xóm hoặc người quen; yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.
Thậm chí, chúng thường dùng thủ đoạn tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chiếm đoạt, cắt đứt liên lạc với khách hàng, nếu đó là món hàng trị giá cao. Chị N.T.L.A. (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cho biết: “Mới mấy ngày trước, có số điện thoại gọi cho tôi, nói là shipper giao hàng, nói đúng món đồ tôi đã mua. Bọn chúng hỏi tôi: “Chị có ở nhà không, em giao hàng cho chị đặt ở shop T.L.”. Do lu bu công việc, tôi kêu gửi cho mẹ ở nhà nhận, rồi nhắn tin số tài khoản để tôi thanh toán. Xử lý công việc xong, tôi hỏi thì mẹ tôi nói đâu có ai giao hàng. Tôi mới biết mình bị lừa…”.
Đó là thủ đoạn lừa đảo, chỉ “ăn” tiền thanh toán đơn hàng. Nhiều đối tượng “chuyên nghiệp” hơn, sau khi nhận chuyển khoản, bọn chúng thông báo “có sự nhầm lẫn”, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper. Khi chuyển tiền, hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng, tự động bị trừ 3 - 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Khi nạn nhân yêu cầu lấy lại tiền, hủy đăng ký hội viên, đối tượng gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến website giả mạo của đơn vị giao hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP.
Khi người dân thực hiện, sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng, mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử... Anh L.T.H. (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) vừa gặp phải trường hợp tương tự. Trong lúc đang làm việc, anh nhận được cuộc gọi lạ, người gọi tự xưng là shipper, thông báo có đơn hàng trị giá 129.000 đồng đặt trên Tiktok mấy ngày trước. Vì bận công việc, anh kêu giao cho bảo vệ cơ quan, rồi chuyển khoản thanh toán.
Tuy nhiên, ngay khi hoàn tất chuyển khoản, shipper lại gọi thông báo: “Anh ơi, em xin lỗi, em gửi nhầm số tài khoản cho anh rồi. Bây giờ anh phải hủy gói đăng ký, nếu không mỗi tháng tự động bị trừ 3 - 3,5 triệu đồng đó anh…”. “Nhận cuộc gọi, tôi khá bối rối. Nhưng rồi tôi bình tĩnh xử lý, vì đọc được nhiều thông tin trên báo chí. Tôi trả lời: “Kệ đi em ơi, lỡ bị em lừa hết 129.000 đồng, sẵn làm shipper luôn". Sau đó, tôi nói chuyện vòng vo một lúc, thấy không lừa tiếp được, nên bọn chúng tắt máy. Từ lần đó, mỗi lần shipper gọi giao hàng tôi đều nhận tận tay rồi mới thanh toán” - anh H. kể.
Tương tự, chị T.N. (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) cũng rơi vào bẫy khi nhận cuộc gọi từ shipper thông báo có đơn hàng trị giá 280.000 đồng. Nghĩ rằng đó là đơn hàng quen thuộc, chị chuyển tiền. Chỉ vài phút sau, shipper gọi lại, nói là đã gửi nhầm số tài khoản, hướng dẫn chị truy cập đường link để được hỗ trợ hoàn tiền. Nghi ngờ, chị tra cứu quản lý đơn hàng, nhưng không thấy có đơn hàng nào đang giao. Liên hệ lại với shipper, truy vấn một lúc thì chị bị tắt máy ngang. Số điện thoại của chị bị chặn, không thể liên lạc. Số tiền đã chuyển đi cũng không thể lấy lại.
“Sơ suất nên mình chịu, nhưng điều tôi băn khoăn nhất là thông tin mua hàng của mình sao bị rò rỉ ra bên ngoài? Bọn lừa đảo biết tường tận thông tin đặt hàng, từ số điện thoại, họ tên, địa chỉ, mặt hàng, shop bán hàng… Tôi đề nghị ngành chức năng cần sớm có biện pháp bảo mật thông tin khách hàng, bảo vệ người tiêu dùng” - chị T.N. lo ngại.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia mua hàng trực tuyến. Đồng thời, kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán. Nếu không đặt hàng, từ chối nhận và không thanh toán. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc tài khoản không rõ ràng. Ngoài ra, tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
LÊ HOÀNG