Canh mướp đắng có tác dụng gì?
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Healthline chỉ ra 4 tác dụng của món canh mướp đắng trong ngày Tết như sau:
Chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng
Mướp đắng đặc biệt giàu vitamin C, một vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tật, tạo xương và chữa lành vết thương.
Nó cũng chứa nhiều vitamin A giúp thúc đẩy sức khỏe làn da và thị lực.
Nó cung cấp folate, chất thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển, cùng với lượng nhỏ kali, kẽm và sắt.
Mướp đắng cũng chứa catechin, axit gallic, epicatechin và axit chlorogenic đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương.
Hơn nữa, khổ qua ít calo nhưng giàu chất xơ, chỉ 1 chén 100 gram - đáp ứng khoảng 8% nhu cầu chất xơ hằng ngày.
Có thể giúp giảm lượng đường trong máu
Nhờ các đặc tính dược liệu mạnh mẽ, khổ qua từ lâu được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu xác nhận tác dụng này. Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng cho thấy dùng khổ qua mỗi ngày giúp giảm lượng đường trong máu và chỉ số đường huyết trung bình HbA1c.
Một nghiên cứu khác cho thấy dùng mướp đắng mỗi ngày trong 4 tuần làm giảm nhẹ lượng đường trong máu.
Hơn nữa, chiết mướp đắng qua giúp làm giảm đáng kể nồng độ fructosamine, một chỉ số theo dõi đường huyết ở người bệnh tiểu đường.
Mướp đắng rất tốt cho sức khỏe.
Đặc tính chống ung thư
Nghiên cứu cho thấy mướp đắng chứa một số hợp chất có đặc tính chống ung thư. Ví dụ, một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất khổ qua hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư ở dạ dày, ruột kết, phổi và vòm họng.
Một nghiên cứu kết hợp trên ống nghiệm và động vật khác cũng cho kết quả tương tự, cho thấy chiết xuất khổ qua có thể ngăn chặn sự phát triển và di căn của các tế bào ung thư vú, đồng thời thúc đẩy quá trình chết của tế bào ung thư.
Có thể làm giảm mức cholesterol
Mức cholesterol cao có thể gây mảng bám động mạch, buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mướp đắng có thể làm giảm mức cholesterol, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu trên người cho thấy sử dụng chiết xuất mướp đắng giúp giảm đáng kể mức cholesterol xấu.
Những người không nên ăn mướp đắng
Mướp đăng tuy tốt nhưng không phải ai cũng ăn được. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết những nhóm người dưới đây không nên ăn mướp đắng:
Người huyết áp thấp
Theo vị lương y, trong quả mướp đắng có chứa chất charantin, Polypeptid-P và Vicine có khả năng làm hạ đường huyết, dẫn đến tụt huyết áp, nên những người có tiền sử huyết áp thấp không nên sử dụng mướp đắng.
Người có vấn đề về hệ tiêu hóa
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, nếu lạm dụng, ăn quá nhiều mướp đắng có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến dạ dày. Lương y khuyên những người đang mắc bệnh tiêu hóa không nên ăn nhiều mướp đắng, nếu có thể kiêng thì càng tốt.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Lương y Sáng cho biết, mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ăn nhiều mướp đắng có thể gây kích thích tử cung và dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
Người mới phẫu thuật
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho rằng việc ăn mướp đắng ngay khi mới phẫu thuật sẽ gây cản trở quá trình kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Tốt nhất người bệnh nên ngừng ăn mướp đắng trong ít nhất 2 tuần trước và sau phẫu thuật.
Thanh Thanh (Tổng hợp)