Thượng tá Phan Xuân Ạp (mang quân phục Hải quân, bên trái) kể chuyện tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa.
Những ngày tháng Tư lịch sử, Bảo tàng Quân khu 5 (thành phố Đà Nẵng) đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan. Bên mô hình tàu 19-5 tại Phòng trưng bày Biển đảo Việt Nam, những câu chuyện về chiến dịch giải phóng Trường Sa được kể lại bởi những người trong cuộc là các cựu chiến binh Phạm Ngọc Cửu và Phan Xuân Ạp. Những câu chuyện kể này như làm “sống dậy” một thời lửa đạn, hào hùng và bi tráng.
Hành trình vượt sóng
“Sau khi giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975, Tiểu đoàn 471 Đặc công nước (Quân khu 5) được lệnh tiếp quản Quân cảng Đà Nẵng. Hơn một tuần sau, toàn đơn vị gồm 36 cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ đặc biệt, chuẩn bị ba-lô lên tàu. Mãi đến khi tàu nhổ neo, chúng tôi mới được phổ biến: làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa”, cựu chiến binh Phạm Ngọc Cửu - nguyên Đài trưởng Đài Thông tin 15W nhớ lại, ánh mắt vẫn ánh lên niềm tự hào dù mái đầu đã bạc.
Bên mô hình tàu 19-5 tại Phòng trưng bày Biển đảo Việt Nam (Bảo tàng Quân khu 5), các cựu chiến binh Phạm Ngọc Cửu và Phan Xuân Ạp kể lại những câu chuyện về chiến dịch giải phóng Trường Sa.
Với những người lính từng quen tác chiến trên sông ngòi, đất liền thì đây là thử thách chưa từng có: ra biển, vượt sóng, đánh chiếm đảo giữa trùng khơi. Tuy nhiên, với sự phối hợp của Trung đoàn 38, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2), Đoàn 126 Hải quân và một số đơn vị bạn, đoàn quân tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa xuất phát từ Cảng quân sự Đà Nẵng trên ba con tàu được ngụy trang như tàu đánh cá. Tất cả các thủy thủ mặc quần áo ngư dân; các chiến sĩ đặc công nằm dưới khoang tàu lặng lẽ giữa biển khơi đầy rẫy tàu chiến, máy bay địch rình rập…
Sau nhiều ngày lênh đênh, đơn vị đến nơi tập kết và nhận lệnh tấn công đảo Song Tử Tây – một trong những đảo lớn và có vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa. Theo đó, từ rạng sáng 14/4/1975, ở vị trí cách đảo hàng chục ki-lô-mét, những chiến sĩ đặc công nước chia thành ba mũi, vượt qua bãi san hô sắc nhọn và sóng lớn, bí mật áp sát đảo. Địch hoàn toàn bất ngờ. Sau gần một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn Song Tử Tây, bắt sống đảo trưởng và hơn 30 binh lính địch, thu toàn bộ vũ khí, khí tài.
Ngày 25/4, đơn vị tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca. Trước giờ G, một phát súng B40 khai hỏa diệt vọng gác, toàn bộ 22 tên địch trên đảo đầu hàng.
Ngày 27/4, lực lượng ta tiến công đảo Nam Yết - nơi địch đã bỏ lại toàn bộ hệ thống bố phòng dày đặc với mìn claymore, súng máy phòng không. Lúc này, chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn biến quyết liệt, các tuyến phòng ngự quanh Sài Gòn đã bị xuyên thủng. Địch ở các đảo hoang mang, buông súng rút lui.
Đến ngày 29/4, ta lần lượt làm chủ các đảo: Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, An Bang. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tung bay trên các đảo giữa biển khơi. Những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên gương mặt sạm nắng của những người lính trận mạc.
Chiến thắng đi trước một bước
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Cửu chia sẻ: “Giải phóng Trường Sa là một quyết định sáng suốt và tài tình của Bộ Chính trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển đảo. Trong thời điểm ấy, đã có một số tàu nước ngoài xuất hiện ngoài khơi, lăm le ý định chiếm đảo. Nhưng khi thấy cờ Quân giải phóng Việt Nam tung bay, họ đành lùi ra xa. Có tàu còn thả phao tự hủy gây rối ở Song Tử Tây, Nam Yết nhưng tuyệt nhiên không dám manh động”.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 tham gia giải phóng Trường Sa năm 1975. (Ảnh: T.L)
Trong ký ức của Thượng tá Phan Xuân Ạp - nguyên Trợ lý Tác chiến Tiểu đoàn 471, việc giữ vững các đảo sau khi giải phóng cũng là nhiệm vụ đầy cam go. “Chúng tôi ở lại giữa trùng khơi để canh giữ chủ quyền, trong khi đất liền mừng chiến thắng. Có những đêm biển động dữ dội, có những ngày sóng lớn trùm cả doanh trại dã chiến. Nhưng tất cả đều hiểu đây là mệnh lệnh của Tổ quốc”, Thượng tá Phan Xuân Ạp cho biết.
Qua những lời vừa kể của các cựu chiến binh - nhân chứng sống thời điểm giải phóng đảo Trường Sa, bầu không khí của Phòng trưng bày Biển đảo Việt Nam (Bảo tàng Quân khu 5) dường như lắng lại. Đặc biệt, khi hai cựu binh kể đến khoảnh khắc lịch sử ngày cờ giải phóng được kéo lên giữa đảo: “Cảnh tượng lá cờ tung bay giữa trời xanh, trên thân cây dừa khiến ai cũng xúc động. Giữa niềm vui vỡ òa là sự lặng đi khi nghĩ về đồng đội đã ngã xuống trước giờ đoàn tụ, sum vầy. Từ nay đất nước sạch bóng quân thù, non sông liền một dải...” đã gợi cho mỗi người nghe lúc ấy dâng trào sự tự hào, vinh quang.
Khách tham quan hôm ấy, từ người già, người trẻ đến cả du khách quốc tế đã lặng im lắng nghe, có người âm thầm lau giọt lệ.
50 năm đã qua, nhưng ký ức về những người lính biển ra khơi trong một chiến dịch đặc biệt vẫn còn nguyên giá trị. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là dấu mốc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông.
ĐÌNH TĂNG