Đám đông người biểu tình đã bất chấp lệnh cấm tụ tập liên quan đến vụ bạo động xảy ra trước đó giữa các cổ động viên bóng đá Ajax và câu lạc bộ Israel Maccabi Tel Aviv.
Hàng chục người biểu tình, một số cầm cờ Palestine, hô vang các khẩu hiệu như "Amsterdam phản đối diệt chủng" và "Tự do cho Palestine".
Những người biểu tình ủng hộ Palestine đối mặt với cảnh sát Hà Lan trong một cuộc biểu tình bị cấm ở Amsterdam, Hà Lan, ngày 10 tháng 11 năm 2024. Ảnh: REUTERS/Esther Verkaik
Lực lượng cảnh sát trang bị vũ khí đã bao vây nhóm người biểu tình, bắt giữ họ và đưa lên xe buýt. Cảnh sát Amsterdam cũng đã thực hiện nhiều cuộc khám xét và bắt giữ hàng trăm người biểu tình kể từ khi các biện pháp khẩn cấp được áp dụng sau các vụ xô xát xảy ra tuần trước. Các biện pháp này dự kiến kéo dài đến thứ Năm.
Một người biểu tình tên Max van den Berg, 32 tuổi, đã lên tiếng kêu gọi Hà Lan ngừng hỗ trợ Israel và hô lớn: “Chúng tôi nói: Tự do cho Palestine. Ngừng giết người vô tội. Ngừng giết hại trẻ em".
Theo thông tin từ phía Gaza, hơn 43.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel, và phần lớn dải Gaza đã bị phá hủy. Vụ bạo động liên quan đến các cổ động viên của Maccabi Tel Aviv bắt đầu khi một số người trong nhóm này tấn công một chiếc taxi và đốt một lá cờ Palestine, sau đó bị những thanh niên đi xe máy truy đuổi và hành hung. Sau sự cố, cảnh sát đã hộ tống hàng trăm cổ động viên của Maccabi về khách sạn để đảm bảo an toàn.
Các chính trị gia Israel và Hà Lan đã chỉ trích các cuộc tấn công này, cho rằng đó là hành vi bài Do Thái, gợi nhớ lại sự đàn áp người Do Thái trong Thế chiến II. Tuy nhiên, những người ủng hộ Palestine cho rằng họ chỉ phản ứng trước các hành động khiêu khích của các cổ động viên Maccabi.
Trong số 62 nghi phạm bị bắt giữ, bốn người vẫn bị giam giữ, trong đó có 10 người Israel. Các vụ việc xảy ra cũng làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng người Hồi giáo gốc Morocco tại Amsterdam, nơi nhiều thanh niên thể hiện sự đồng cảm với người Palestine ở Gaza.
Cao Phong (theo Reuters)