Thông qua giám sát của các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP, nhiều nông sản của Thái Nguyên được sản xuất đảm bảo an toàn.
Với mục tiêu tuyên truyền, vận động, giám sát lẫn nhau tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, hoạt động của các tổ tự quản góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại các thôn, xóm…
Các tổ tự quản được thành lập theo Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm (ATTP) và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ông Dương Sơn Hải, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (NLS) và thủy sản tỉnh, cho biết: Tại cấp xã, số nông hộ và lượng nông sản sản xuất ra là khá lớn. Trong khi đó, cán bộ phụ trách công tác quản lý ATTP hầu như đều kiêm nhiệm. Một số địa phương giao cho cán bộ trạm y tế xã, nhưng lực lượng này lại không có chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP nên gây khó khăn cho cơ sở. Do đó, việc thành lập các tổ cộng đồng vệ sinh ATTP thực phẩm là rất cần thiết. Đây chính là cánh tay "nối dài" giúp cho công tác quản lý chất lượng NLS và thủy sản ngày một tốt hơn.
Hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, thành viên tổ cộng đồng tự quản làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có trách nhiệm thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP đối với các cơ sở được phân công phụ trách.
Theo đó, tổ trưởng các tổ tự quản chính là người trực tiếp quản lý điều hành, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến đảm bảo ATTP theo nhiệm vụ được phân công.
Đáng nói, các tổ cộng đồng tự quản sẽ tham mưu với UBND xã, ban chỉ đạo ATTP xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP như thống kê, cập nhật thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh và kiến nghị kịp thời các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP cho UBND xã (qua ban chỉ đạo về ATTP xã) để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời xây dựng các mô hình về ATTP, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh...
Việc thành lập các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP giúp người nâng nâng cao ý thức trong sản xuất, nhất là đối với sản phẩm chè khi đẩy mạnh sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Không những vậy, tổ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo ATTP; thông tin những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt hoặc vi phạm quy định về ATTP để người dân biết, giám sát.
Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức người dân trong sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo ATTP mà còn nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng NLS và thủy sản trên địa bàn.
Ông Trần Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phục Linh - địa phương được hỗ trợ thành lập 3 tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP, cho biết: Mới được thành lập từ đầu tháng 12 nhưng địa phương rất kỳ vọng, hoạt động của các tổ cộng đồng này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho chính quyền trong công tác quản lý ATTP khi xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động theo lĩnh vực phụ trách thường xuyên. Như vậy, các vấn đề phát sinh trong quản lý ATTP trên địa bàn sẽ được nắm bắt, giải quyết kịp thời.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP đã thể hiện được những ưu điểm. Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thủy sản tỉnh, cho biết: Với những mục tiêu nhiều ý nghĩa, chúng tôi mong rằng mô hình tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh ATTP tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tùng Lâm