“Ăn miếng trả miếng”
Trong kỷ nguyên số, bán dẫn với các con chip siêu nhỏ được coi là “bộ óc” của ngành công nghiệp điện tử. Cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong công nghệ mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thay đổi cấu trúc hàng loạt ngành khác.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn còn ảnh hưởng sâu rộng tới an ninh quân sự và thương mại toàn cầu.
Những năm gần đây, Hoa Kỳ liên tục coi công nghiệp bán dẫn là trọng tâm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Năm 2022, Mỹ đã đưa ra các biện pháp toàn diện nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các loại chip và công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Trong chiến lược này, Mỹ tập trung đối phó bằng ba cách: kiểm soát công nghệ xuất khẩu, đầu tư nội lực cấp chip và liên minh công nghệ. Washington cho rằng việc bán các dòng chip cho Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh nâng cấp sử dụng AI trong mục đích quân sự, hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Ngoài ra, các hạn chế nghiêm ngặt được đặt ra để ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ và đối tác như ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản cung cấp thiết bị bán dẫn cho Trung Quốc. Mỹ cũng đầu tư hàng tỷ USD qua Đạo luật Chips để phát triển các nhà máy bán dẫn trong nước, mục tiêu giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Washington thiết lập các liên minh như Chip 4 (gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) nhằm kìm hãm Trung Quốc truy cập các nguồn lực công nghệ cao.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 2/12/2024, Washington phát động chiến dịch nhằm trừng phạt ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Mỹ hạn chế doanh nghiệp quốc nội xuất khẩu cho 140 công ty của Trung Quốc, bao gồm 20 doanh nghiệp sản xuất chip, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất máy móc công nghệ phục vụ sản xuất chip.
Các quy định bao gồm hạn chế xuất khẩu chip bộ nhớ băng thông cao (HBM), chip phục vụ AI – có đóng góp quan trọng trong phát triển quân sự và an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có 24 công cụ sản xuất chip và các thiết bị công nghệ khác.
Trong danh sách các công ty chịu ảnh hưởng, nổi bật là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc; hay Naura Technology Group, Piotech và SiCarrier Technology. Ngoài ra, Mỹ còn nhắm vào cả các công ty hỗ trợ tài chính cho ngành chip Trung Quốc như Wise Road Capital và Wingtech Technology Co. Trước đó, Huawei là công ty hàng đầu về thiết bị viễn thông, từng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và hiện là trung tâm sản xuất, phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc.
Ngay sau thông báo của Washington, Bắc Kinh đã phản đòn bằng cách cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng như gallium, germanium và antimon. Đây là những vật liệu cần thiết mà Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc để phát triển ngành bán dẫn.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông qua danh sách gồm 700 mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó có nhiều mặt hàng mà Mỹ rất cần để phát triển các sản phẩm quan trọng, đặc biệt về công nghệ. Điển hình danh sách này bao gồm đất hiếm (nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn) cùng một số linh kiện công nghệ cơ bản mà lâu nay Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Sự kiện đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc. Năm 2023, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với gallium và gecmani. Trong đó, gallium được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, thường được sử dụng để nâng cao tốc độ truyền và tăng hiệu quả của radar.
Ngày 10/12/2024, Reuters đưa tin các công ty DJI và Autel Robotics (đều có trụ sở tại Trung Quốc) có thể bị cấm bán các dòng máy bay không người lái (UAV) mới tại thị trường Mỹ theo dự luật quân sự dự kiến của Hạ viện Mỹ. Tháng 9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm các dòng UAV mới của DJI hoạt động tại Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cũng đang xem xét việc áp đặt các hạn chế đối với loại UAV khác của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ hay không.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào ngày 9/12/2024, Trung Quốc thông báo đã mở một cuộc điều tra đối với NVIDIA, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ hiện nay. Cuộc điều tra được tiến hành nhằm làm rõ NVIDIA có vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, nhà chức trách Bắc Kinh không nêu chi tiết là tập đoàn này có thể đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc như thế nào. Đây được xem là động thái đáp trả biện pháp kiểm soát mới của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Sau thông báo, cổ phiếu của NVIDIA giảm 2,2%.
Động thái từ phía Mỹ cũng làm gia tăng bất mãn và đẩy nhanh nỗ lực tự chủ của Bắc Kinh. Chiến lược “Made in China 2025” nhấn mạnh việc đạt tỷ lệ tự cấp chip cao nhất có thể. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư mạnh vào các cơ sở sản xuất bán dẫn và tạo ra các hệ sinh thái công nghệ quốc nội, hỗ trợ các công ty công nghệ như SMIC. Đồng thời Trung Quốc cũng tạo ra một thị trường tiêu thụ khổng lồ cho các sản phẩm công nghệ, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối diện với những thách thức nghiêm trọng khi vẫn phụ thuộc vào các thiết bị nhập khẩu như máy khắc EUV từ phương Tây. Hay dù đã đạt bước tiến trong sản xuất chip 7nm, các công ty trong nước vẫn chưa đạt được vị thế ngang hàng với các ông lớn quốc tế như NVIDIA – hãng dẫn đầu về chip AI, hay ASML – nhà cung cấp độc quyền máy quang khắc tiên tiến.
Đáng chú ý, nhiều dự báo cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump. Chính sách của Tổng thống Trump dự kiến sử dụng các biện pháp cứng rắn, bao gồm cả thuế quan, trừng phạt và hạn chế xuất khẩu công nghệ, nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn.
Chiến trường mới của địa chính trị toàn cầu
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn không chỉ tác động đến công nghệ mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng tới an ninh quân sự và thương mại toàn cầu. Các biện pháp kiềm chế lẫn nhau làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá chip và các sản phẩm liên quan leo thang.
Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những trung tâm bán dẫn hàng đầu như Đài Loan, Hàn Quốc hay Hà Lan, nhưng đồng thời cũng là "điểm nóng" trong các cuộc đối đầu địa chính trị. Các quốc gia này đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc và hợp tác chiến lược với Mỹ. Trong một bài viết ngày 16/12/2024, Reuters ví cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ - Trung sẽ khiến các đồng minh châu Á thành “con tin”.
Các tập đoàn như Samsung và SK Hynix là nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang bị ép phải cân bằng giữa làm đối tác thương mại với Trung Quốc, vốn là thị trường lớn nhất, và tuân thủ các yêu cầu từ Mỹ. Hay TSMC của Đài Loan chiếm đến 90% thị phần chip cao cấp toàn cầu. Nhưng các đe dọa về an ninh từ Trung Quốc khiến Đài Loan phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự bảo trợ của Mỹ. Hay dù tham gia liên minh Chip 4, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu cũng đang nỗ lực duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc đồng thời phải đối phó với áp lực từ Mỹ.
Về phía Hoa Kỳ, trong nỗ lực duy trì liên minh để kiềm chế Trung Quốc, Mỹ đã miễn trừ Nhật Bản và Hà Lan khỏi một số quy định khắt khe, cho phép các quốc gia này tiếp tục xuất khẩu thiết bị sang quốc gia tỷ dân mà không bị hạn chế như các nước khác. Nhưng các công ty tại Malaysia, Singapore, Israel, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ phải đối mặt với quy định sản phẩm trực tiếp nước ngoài mở rộng, buộc họ phải tuân thủ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nếu hàng hóa của họ chứa bất kỳ linh kiện nào có xuất xứ từ Mỹ mà muốn xuất sang Trung Quốc. Điều này có thể gây ra những xáo trộn nhất định về thương mại thế giới.
Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc đều coi công nghệ bán dẫn là một phần quan trọng trong chiến lược quân sự của mình. Chip bán dẫn đóng vai trò sống còn trong các hệ thống quân sự, từ vũ khí tự động đến công nghệ giám sát và tình báo. Do đó, việc kiểm soát nguồn cung cấp bán dẫn có thể quyết định thắng bại trong các cuộc chiến tranh công nghệ và chiến tranh thương mại ở tương lai, đồng thời tác động đến các chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế. Trước những “cú đấm bồi” liên tiếp, Trung Quốc có thể tăng cường đầu tư nội địa hoặc hợp tác với các đối tác như Nga hoặc Iran, nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ. Điều này có thể tái định hình các liên minh quân sự và kinh tế trên toàn cầu.
Ở bình diện khác, truyền thông quốc tế nhận định, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Đông Nam Á, tạo động lực phát triển các trung tâm công nghệ trong khu vực.
Với định giá đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028 theo Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), cùng tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn ở lĩnh vực bán dẫn.
Minh Hà