Cạnh tranh khách hàng giữa các nhà băng

Cạnh tranh khách hàng giữa các nhà băng
9 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn chưa khi nào thấy bớt nóng, thậm chí đang có một cuộc đua giành khách hàng vay vốn âm thầm giữa các nhà băng.
Sôi động cho vay “tái tài trợ”
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng đang có khoản vay dài hạn tại NH A. cho biết, thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời chào từ nhân viên NH B., rằng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp hơn NH A. để trả nợ NH A. Chẳng hạn, khách hàng đang vay dài hạn tại NH A. với lãi suất hơn 10%/năm, sẽ được NH B. cho vay với lãi suất chỉ 7%/năm để trả khoản nợ tại NH A.
Mức lãi suất cho vay này được áp dụng 12 tháng đầu, những tháng sau đó có tăng cũng không cao bằng NH A., thậm chí NH B. còn ưu đãi khoản vay mới này không phải chịu phí phạt trả nợ trước hạn.
Hình thức cho vay để trả nợ NH khác như trên bắt đầu rộ lên sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1-9-2023.
Cụ thể, NH được phép cho khách hàng vay để trả nợ tại NH khác nếu đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện: thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Khi cho vay được gọi là “tái tài trợ” theo hình thức này, NH mới sẽ ký hợp đồng vay với khách hàng và thực hiện việc chuyển tiền trả nợ trực tiếp cho NH cũ, để hoàn tất việc thanh toán khoản vay hiện tại của khách hàng.
Sự nở rộ của hình thức này, đã tạo ra một sự cạnh tranh lớn về chính sách ưu đãi trong sân chơi cho vay để trả nợ trước hạn tại NH khác. Tháng 9-2023, Vietcombank tiên phong triển khai hình thức này với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.
Sau đó, BIDV công bố lãi suất khoản vay ngắn hạn lãi suất vay chỉ từ 6%/năm; đối với khoản vay trung, dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. Ngoài ra, thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.
Tiếp theo, Agribank và VietinBank cũng gia nhập sân chơi với lãi suất vay trung và dài hạn 6-7%/năm. MB cũng cho khách hàng vay trả nợ tại NH khác với mục đích về vay mua/xây dựng/sửa chữa bất động sản, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm, và giảm thêm 1,5% trong 1 năm tiếp theo.
Phía Techcombank cũng triển khai hình thức với lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, và có giảm thêm đối với nhóm khách hàng ưu tiên.
Bước sang năm 2024, các NH bắt đầu nhập cuộc sôi động hơn, lãi suất ngày càng hấp dẫn hơn. VIB thông báo khi chuyển khoản vay sang NH này, khách hàng sẽ có nhiều ưu đãi như lãi suất cố định từ 5,9%/năm, 6,9%/năm, 7,9%/năm tương ứng kỳ hạn vay 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng, và còn được giảm thêm 0,4% lãi suất, miễn trả gốc lên đến 60 tháng, biên độ lãi suất sau ưu đãi chỉ 2,9%.
VPBank cũng có nhiều lựa chọn linh hoạt lãi suất cho khách hàng cố định từ 3 tháng tới 24 tháng, trong đó lãi suất chỉ từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng, và từ 6,8%/năm cố định trong 12 tháng.
Hụt vốn vẫn tích cực cho vay vì có “bà đỡ”
Theo các chuyên gia, hiện nay chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và cho vay của các NH ngày càng nới rộng, cụ thể là cho vay vượt huy động dù NH đã tích cực tăng lãi suất huy động để hút vốn. Số liệu từ NHNN cho biết, tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện là 15,3 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt hơn 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 7-12 đạt 12,5%, trong khi đó tốc độ tăng huy động vốn đạt mức 7,36%/năm.
Tuy nhiên, NHNN lại luôn luôn có động thái rất tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các NH, vì Chính phủ yêu cầu ngành phải đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.
Cụ thể trong tháng 11, NHNN đã bơm ròng gần 60.550 tỷ đồng vào hệ thống để hỗ trợ cho các NH. Với sự hỗ trợ tích cực của nhà điều hành, dù huy động luôn trong tình trạng thiếu hụt, các NH vẫn cấp tập tìm cách bơm vốn ra thị trường với nhiều hình thức.
Đại diện NHNN cũng chia sẻ, các dữ liệu về huy động và cho vay chứng tỏ ngoài việc huy động vốn của các NH, NHNN cũng phải điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các NH bằng các công cụ chính sách của mình. Theo đó, các nhà băng cũng đua cho vay để đạt mục tiêu cả năm của ngành và để mở rộng lợi nhuận, trong đó bao gồm việc ồ ạt mời chào vay “tái tài trợ”.
Vì sao cho vay để trả nợ NH khác như trên đang trở nên sôi động? Bởi thông thường lãi suất các khoản vay cũ đã được tính toán kỹ trên cơ sở cân đối chi phí huy động, chi phí hoạt động và bù đắp rủi ro, nên các NH không thể trực tiếp giảm lãi suất cho khách hàng của mình.
Nhưng với Thông tư 06, người dân đang có một khoản vay với lãi suất trên 10%/năm, có thể đem hồ sơ vay sang NH khác để hỏi vay với một mức lãi thấp hơn. Hiện nay, nhân viên NH cũng có xu hướng săn những khách hàng trong dạng này để chạy chỉ tiêu tín dụng, từ đó tạo ra một cuộc đua giành khách âm thầm nhưng rất khốc liệt giữa các NH với nhau.
Việc NHNN làm “bà đỡ” cho thanh khoản hệ thống, tuy giúp cho các NH có thể bơm tín dụng ra nền kinh tế theo mục tiêu chung, nhưng vẫn chưa thể kéo giảm mặt bằng lãi suất. Chẳng hạn, nhìn trên bề mặt, điểm tích cực của Thông tư 06 là mang lại lợi ích cho khách hàng.
Bởi nếu trước đây, một khách hàng nếu muốn chuyển khoản vay từ NH này sang NH khác, sẽ phải tìm cách “xoay tiền” để tất toán khoản vay cũ và làm hồ sơ vay mới tại NH khác, nay người vay có cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn với thủ tục đơn giản hơn nhiều, mà không cần phải “xoay tiền” trả nợ cũ.
Nói cách khác, với chính sách này người dân có thể lựa chọn NH nào có chính sách, lãi suất và chất lượng dịch vụ tốt để vay vốn. Và bản thân từng NH cũng phải cải thiện để "giữ chân" khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới.
Tuy nhiên, khách hàng vay cũng cẩn trọng tính toán, thực tế các ưu đãi về lãi suất của khoản vay mới cũng chỉ áp dụng trong khoảng thời gian 6-12 tháng, sau đó là thả nổi.
Hiện nay hoạt động cho vay ưu đãi lãi suất khá phổ biến, đã có đến 32/40 NH đăng ký gói tín dụng mới với tổng số 405.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua. Nhưng trong đó có không ít cho vay theo dạng “tái tài trợ”.
BẢO TRÂN
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/canh-tranh-khach-hang-giua-cac-nha-bang-post119095.html