Cảnh tượng sao băng chói lòa thắp sáng bầu trời đêm Scotland

Cảnh tượng sao băng chói lòa thắp sáng bầu trời đêm Scotland
12 giờ trướcBài gốc
Những người ngắm sao trên khắp Scotland đã có cơ hội chứng kiến cảnh tượng một sao băng sáng chói xuất hiện trên bầu trời đêm.
Cảnh tượng kỳ thú xảy ra vào khoảng 0h50’ rạng sáng ngày 3/7.
Quả cầu lửa chói lóa thắp sáng bầu trời đêm Scotland/ Norma Macleod.
Hàng trăm người Scotland đã lên mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh về luồng sáng chói lòa. Một số video cho thấy âm thanh lớn và tiếng nổ phát ra từ sao băng.
Cư dân mạng cho biết, đã nhìn thấy sao băng ở Argyll và Bute cũng như trên đảo Lewis và các thành phố Stirling, Glasgow.
Cảnh tượng kỳ thú được ghi lại lúc 0h50' ngày 3/7 trên bầu trời Scotland. Nguồn: Norma Macleod.
Nhà khí tượng học Sean Batty cho biết, để nghe thấy tiếng nổ, thiên thạch có thể là một mảnh đá vũ trụ lớn hơn một quả bóng golf.
Tiến sĩ Cyrielle Opitom từ Viện Thiên văn học thuộc Đại học Edinburgh, Anh, cho biết, mặc dù sao băng không phải là hiện tượng hiếm gặp ở Scotland, nhưng sao băng này khá đặc biệt vì độ sáng của nó khi bốc cháy.
Tiếng nổ được ghi nhận phát ra từ sao băng. Nguồn: Andy Hodges.
“Chúng tôi không biết liệu có thiên thạch nào rơi xuống mặt đất hay không, nhưng sẽ rất thú vị vì chúng tôi có thể thu thập đá từ không gian và phân tích nó. Trên khắp Scotland và Vương quốc Anh, có camera từ mạng lưới Fireball Network, vì vậy tôi chắc chắn rằng việc phân tích cảnh quay đang được tiến hành tốt. Nếu có thiên thạch, chúng ta có thể tìm thấy chúng...”, bà Opitom nói với STV News.
Tùy góc nhìn, quả cầu lửa có thể là màu cam. Ảnh: Adrian Coll.
Sao băng là đường nhìn thấy của các thiên thạch và vẫn thạch, khi chúng đi vào bầu khí quyển Trái Đất. Các thiên thạch phát sáng là do nhiệt phát sinh ra bởi áp suất nén khi chúng đi vào khí quyển.
Thiên thạch trôi dạt trong không gian và đôi khi rơi xuống các hành tinh khi bị lực hấp dẫn của chúng kéo vào. Do Trái đất có một lớp bảo vệ là bầu khí quyển, nên hầu như những thiên thạch nhỏ sẽ bốc cháy và tan rã ngay trong bầu khí quyển.
Cảnh tượng tuyệt đẹp ghi lại từ sao băng. Nguồn: STV News.
Tuy nhiên, đôi khi những thiên thạch lớn hơn, một phần lõi của chúng sẽ có cơ hội sống sót sau hành trình xâm nhập Trái Đất và rơi xuống đất.
Vào năm 2013, một thiên thạch đã rơi xuống nước Nga, ước tính có kích thước khoảng 20 m, tạo ra sóng xung kích cực mạnh khiến hàng nghìn tòa nhà bị hư hại.
Văn Phong/STV Newsthiên thạch,
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/canh-tuong-sao-bang-choi-loa-thap-sang-bau-troi-dem-scotland-180458.html