Chuyển đổi số ở Cao Bằng giúp người dân giảm nghèo thông tin hiệu quả
Kiện toàn các tổ công nghệ số cộng đồng
Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số toàn tỉnh, thời gian qua, các xã, phường, thị trấn ở tỉnh Cao Bằng đã thành lập và kiện toàn 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng với 6.686 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 4,23% (giảm 5.349 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,94% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo bình quân giảm 5,65%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,21%.
Cùng với công tác tuyên truyền, việc phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để giảm nghèo thông tin gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả
Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Với những hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp... giúp cho người dân nắm bắt được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có 1.322 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt gần 614.582 (trong đó 603.002 thuê bao di động); 80.382 thuê bao Internet với 52.156 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt gần 50%.
Công nghệ số giúp người dân thay đổi tư duy
Từ việc tiếp cận với công nghệ thông tin số, người dân đã có những thay đổi tư duy rõ rệt, đặc biệt là việc áp dụng sản xuất và phân phối hàng hóa ra thị trường, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo xu hướng và nhu cầu của thị trường. Đồng thời thực hiện bán hàng qua các kênh online, các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến.
Công tác tuyên truyền thông tin về thị trường lao động cũng được tỉnh Cao Bằng tăng cường đã tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Mô hình sản xuất cây hàng hóa ở Cao Bằng
Cụ thể, trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tuyên truyền về công tác giảm nghèo với các hình thức phù hợp như phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội như Zalo, fanpage… Từ đó, mọi người dân Cao Bằng đều được cung cấp thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, triển khai các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.
Để góp phần thay đổi nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh Cao Bằng tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Tại các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức thực hiện treo băng-rôn, pano truyền thông giảm nghèo; hướng dẫn quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hằng năm cho cán bộ và người dân, nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử; hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện; thiết lập bảng tin điện tử công cộng.
Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách, chương trình, kế hoạch… trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh; tăng cường phát triển kinh tế ổn định, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là động lực để thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục có nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với công nghệ thông tin trên các nền tảng số.
Trường Sa