Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
7 giờ trướcBài gốc
3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL công nhận lần này đều mang những giá trị văn hóa tiêu biểu, gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tinh thần và bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao Tiền và Dao đỏ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Chữ Nôm viết trên giấy dó của dân tộc Tày. Ảnh minh họa: H.Nam
Chữ Nôm Tày là loại hình chữ viết cổ, ra đời từ nhu cầu ghi chép tiếng nói dân tộc, dựa trên việc vay mượn và cải biến chữ Hán. Chữ từng được sử dụng rộng rãi trong thơ ca dân gian, truyện kể, sách thuốc, văn khấn phản ánh sự phát triển ngôn ngữ, tư duy và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày – dân tộc chiếm số đông tại Cao Bằng.
Cùng với các dân tộc khác, người Tày đã sáng tạo và hoàn thiện dần chữ Nôm Tày hàng nghìn năm nay để làm văn tự dùng trong giao lưu và lưu trữ tư liệu, đó là một thành tựu lớn góp phần làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà.
Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền. Ảnh minh họa: H.Nam
Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền, xã Tam Kim và Thành Công thuộc loại hình tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Người phụ nữ Dao dùng sáp ong vẽ họa tiết trên vải rồi nhuộm chàm, tạo nên những bộ váy áo độc đáo, mang đậm yếu tố tâm linh và bản sắc văn hóa tộc người. Mỗi hoa văn không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn là thông điệp truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao đỏ tại xã Thanh Long là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tín ngưỡng. Các bức tranh được vẽ thủ công bằng chất liệu tự nhiên như than, đất, rễ cây… thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và niềm tin về thần linh, tổ tiên. Đây là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa yếu tố thẩm mỹ, tín ngưỡng và giáo dục văn hóa tâm linh.
Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao đỏ. Ảnh minh họa: Trường Hà
Việc 3 di sản văn hóa phi vật thể của Cao Bằng được Bộ VHTTDL công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị độc đáo của các dân tộc Tày, Dao Tiền và Dao đỏ, mà còn tạo động lực để các địa phương sở hữu di sản tiếp tục bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Từ đó, góp phần ngày càng làm phong phú và đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, kinh tế -xã hội vùng Non nước Cao Bằng.
QUỲNH VY
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/cao-bang-co-them-3-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-152446.html