Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 10

Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 10
2 ngày trướcBài gốc
Những năm 1965 - 1966, quân và dân miền Nam giành thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường, đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào tình trạng thất thủ nặng nề. Tình thế ấy, buộc Chính phủ Mỹ phải đưa quân Mỹ và chư hầu vào cứu cánh; đồng thời dùng không quân, hải quân “bắc tiến”, “leo thang” bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Cao Bằng chuyển trạng thái hoạt động trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, xây dựng hậu phương vững về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam giành được những thắng lợi mới.
Năm 1966, Cao Bằng phải chịu nhiều thiên tai hạn hán kéo dài, bệnh vàng lụi lúa hoành hành, gây thất thu mùa vụ, đời sống nhân dân trở nên khó khăn hơn. Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn nhân dân trồng thêm ngô, đỗ tương, thuốc lá và các loại cây hoa màu bù cho diện tích lúa bị thất thu. Năm 1966 - 1967, công trình thủy điện Suối Củn hoàn thành, khôi phục được 34 công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ hiệu quả cho tưới tiêu mùa vụ. Năm 1968 lại xảy ra mưa lũ lớn, tỉnh thành lập 144 tổ thủy nông với 10.016 tổ viên, 48 đội thủy lợi của các hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ những cố gắng đó, mặc dù thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh xảy ra, song, sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1966 - 1968 vẫn được duy trì và phát triển. Hơn nữa, công tác định canh, định cư gắn với xây dựng hợp tác xã luôn được quan tâm thực hiện. Việc trồng rừng đạt hiệu quả tốt, diện tích trồng rừng đạt 1.114 ha, tu bổ được 1.048 ha, nạn cháy rừng giảm đáng kể. Chăn nuôi được quan tâm phát triển nhằm cung cấp sức kéo và nguồn thực phẩm cho nhân dân. Giá trị tổng sản lượng ngành nông nghiệp năm sau tăng hơn năm trước, năm 1966 đạt 48.299.000 đồng, năm 1967 đạt 49.762.000 đồng.
Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Tỉnh ủy chỉ đạo đầu tư vốn tập trung phát triển công nghiệp địa phương, trong 3 năm 1966 - 1968 tăng lên gấp nhiều lần so với giai đoạn 1961 - 1965. Tính đến năm 1968, toàn tỉnh có 34 điểm cơ khí nhỏ, 13 xí nghiệp công nghiệp và 10 xưởng cơ khí nông cụ. Các cơ sở sản xuất tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để chế biến sản phẩm phục vụ nhân dân, như dùng đỗ tương ép lấy dầu, tạo ra các sản phẩm từ ngô, lúa, hoa màu. Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Nhà máy Phốt phát Lam Sơn sản xuất vượt 4,6 lần so với kế hoạch. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1966 đạt 7.423.000 đồng, năm 1968 đạt 9.407.000 đồng; một số ngành công nghiệp: điện lực, chế tạo máy và sản phẩm kim loại, khai thác, chế biến nhiên liệu tăng trưởng khá.
Công tác lưu thông phân phối hàng hóa và giao thông vận tải được tỉnh hết sức coi trọng. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, tỉnh yêu cầu ngành thương nghiệp và giao thông vận tải tăng cường vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Năm 1967, thực hiện chủ trương của Bộ Công thương, ngành chuyển các trạm cấp II trở về công ty. Lúc này, tỉnh chỉ còn 6 công ty, nhưng các công ty đều hoạt động hiệu quả; ngành thương nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ đời sống nhân dân và thu mua lương thực, thực phẩm. Trong giao thông vận tải, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, ngay cả khi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Phối hợp với các ngành chức năng, ngành giao thông vận tải chủ động duy tu, bảo dưỡng các cung đường bị sạt lở, hỏng nặng do thiên tai gây ra và làm thêm một số tuyến đường như Trà Lĩnh - Tổng Cọt - Nặm Nhũng. Hoàn thành sửa chữa xong cầu Sông Hiến, sau khi bị địch bắn phá. Đồng thời, mở mang các tuyến đường nông thôn. Phong trào làm đường nông thôn được các địa phương hưởng ứng tham gia. Trong 2 năm 1965 - 1966, toàn tỉnh làm được 1.736 km, duy tu được 111 km đường trục chính và đường thôn, xóm. Năm 1967, xã Quốc Dân (Quảng Hòa) được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba và huyện Quảng Hòa là lá cờ đầu, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích xuất sắc phát triển giao thông nông thôn.
Năm 1967, huyện Quảng Hòa được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng nhì về thành tích xuất sắc phát triển giao thông nông thôn. Ảnh: Thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa ngày nay.
Ngành giáo dục có nhiều cố gắng trong sự nghiệp “trồng người”. Ngay từ đầu năm học 1965 - 1966, công tác phòng không sơ tán, xây dựng nhà trường phù hợp với thời chiến “Chưa có hầm hào tốt, chưa khai giảng”, đảm bảo an toàn cho thầy và trò là nhiệm vụ đầu tiên. Học sinh đến trường đều đội mũ rơm, chuẩn bị sẵn sàng phòng khi máy bay địch bắn phá. Toàn ngành quyết tâm thắng Mỹ trên mặt trận giáo dục bằng phong trào thi đua “Hai tốt”: dạy tốt và học tốt. Nhờ đó, việc giảng dạy, học tập vẫn duy trì và phát triển hiệu quả. Năm học 1966 - 1967, tỉnh có 79 trường cấp II, 7 trường cấp III; đến năm học 1967 - 1968, đã có 10 trường cấp III. Năm học 1967, cô giáo Tô Thị Rỉnh, dân tộc Tày, xã Đề Thám (Hòa An) (nay là thành phố Cao Bằng) đã được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Phong trào bổ túc văn hóa được mở rộng hơn đến vùng cao, vùng xa và các xí nghiệp, công trường, lâm trường những nơi tập trung đông cán bộ, công nhân. Đội ngũ giáo viên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo. Ty Y tế và các cơ quan trực thuộc đã sơ tán lên vùng Hà Quảng, Hòa An để bảo đảm an toàn đội ngũ thầy thuốc, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 1966, Viện Điều dưỡng cán bộ được thành lập, sau này là Phân viện A thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến năm 1968, toàn tỉnh có 19 cơ sở y tế, 158 bệnh xá, trạm xá và 8 cơ sở chuyên khoa; hệ thống y tế phát triển đến các hợp tác xã nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác văn hóa được coi trọng và phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 154 đội văn nghệ quần chúng hoạt động sôi nổi ở các địa phương, nông - lâm - công trường, xí nghiệp. Ty Thông tin của tỉnh được thành lập, các hoạt động báo chí, điện ảnh, truyền thanh luôn sôi động đến tận cơ sở nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tới nhân dân.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các lực lượng dân quân, tự vệ được củng cố, tăng cường. Phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên và phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ phát triển rầm rộ, sôi nổi trong lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Trong hai đợt tuyển quân, Cao Bằng động viên được 6.409 thanh niên lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc và 1.700 người tình nguyện tham gia các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Tỉnh đoàn kết nạp 5.498 đoàn viên mới và giới thiệu 68 đoàn viên ưu tú để kết nạp Đảng. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo.
Những năm 1966 - 1968, trong hoàn cảnh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Cao Bằng ra sức củng cố, xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần cùng cả nước chi viện cho cách mạng miền Nam liên tiếp giành những thắng lợi to lớn. Đặc biệt là cuộc Tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam mùa xuân Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn chí mạng vào ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ; mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, tạo nên bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.
Bài 10: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ hai
Lê Chí Thanh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/cao-bang-tu-hao-gop-phan-xung-dang-cung-ca-nuoc-lam-nen-ky-tich-mua-xuan-1975-bai-10-3176465.html