Sau thất bại trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, trên chiến trường, thực dân Pháp rơi vào thế bị động, khốn đốn. Tuy vậy, chúng vẫn chưa chịu từ bỏ cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương và nước ta. Quân Pháp cay cú, tìm cách xoay chuyển tình thế bằng việc tiếp tục tăng ngân sách và quân đội viễn chinh cho chiến tranh. Đặc biệt chúng đề ra kế hoạch Na Va hòng giành lại thế chủ động trong cuộc chiến “một mất, một còn” với quân ta.
Tháng 11/1953, thực dân Pháp cho 6 tiểu đoàn tinh nhuệ nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, mạnh nhất Đông Dương. Để từ đó, chiếm giữ vùng Tây Bắc, lợi dụng địa thế phong tỏa, kiềm chế, thao túng địa bàn khu vực Đông Bắc và các vùng phụ cận. Phán đoán được ý đồ, âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, ngay trong tháng 9/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đề ra chủ trương, hình thành kế hoạch tác chiến mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, thừa thắng đoạt lấy địa bàn Tây Nguyên, phá tan âm mưu bình định miền Nam của thực dân Pháp. Trước hết là tập trung tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Giơ ne vơ.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, nhân dân các dân tộc Cao Bằng trên khắp các vùng trong tỉnh đã đoàn kết một lòng ra sức xây dựng hậu phương và sẵn sàng lên đường tham gia chiến đấu tại mặt trận và phục vụ chiến đấu.
Về lĩnh vực quân sự, nhằm sẵn sàng chi viện cho mặt trận, lực lượng vũ trang Cao Bằng được quan tâm, không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng. Công tác huấn luyện được tăng cường. Trình độ chiến, kỹ thuật trong tác chiến của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên đáng kể. Từ năm 1953 đến đầu năm 1954, tỉnh đã bổ sung 844 cán bộ, chiến sĩ cho bộ đội chủ lực. Tỉnh ủy luôn chỉ đạo sâu sát các huyện, thị ủy về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang. Công tác tuyển quân hằng năm đều đạt gấp đôi chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 1953 đã có 40 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự và 28 gia đình được tặng danh hiệu Gia đình vẻ vang trong công tác tuyển quân.
Việc củng cố xây dựng bộ đội địa phương được tỉnh quan tâm đúng mức. Năm 1954, toàn tỉnh có 5 đại đội, gồm 663 cán bộ, chiến sĩ và được tăng cường trang bị vũ khí, đạn dược với 182 súng trường, 41 tiểu liên, 10 trung liên. Dân quân du kích ở địa phương không ngừng được củng cố. Các ban chỉ huy xã đội được kiện toàn. Tổng số du kích trong năm 1954 là 5.668 người, trong đó có 451 đảng viên. Lực lượng dân quân du kích được học tập chính trị, huấn luyện quân sự đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ, tuần tra, cảnh giới, bảo vệ bản làng và các công trình cầu cống giao thông.
Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954). Ảnh: T.L
Bên cạnh đội ngũ thanh niên bổ sung vào lực lượng chiến đấu trực tiếp đánh địch, Cao Bằng còn là một trong những tỉnh có số lượng dân công tham gia phục vụ chiến đấu vào hàng đông nhất so với các tỉnh phía Bắc. Năm 1953, tỉnh huy động được 25.867 người, thực hiện 914.958 ngày công, đảm bảo giao thông cho 181 km đường tiếp vận. Năm 1954, chiến trường ngày càng diễn biến ác liệt; song, quân và dân Cao Bằng động viên 35.456 người, tăng gấp gần 10 lần so với năm 1953, đóng góp 873.902 ngày công sửa chữa cầu, phà, đường.
Công tác vận chuyển lương thực, thực phẩm, khí tài, quân dụng đáp ứng hậu cần cho tiền tuyến cũng luôn được coi trọng thực hiện. Gần 2.000 tấn lương thực đã được các phương tiện thô sơ vận chuyển tới mặt trận kịp thời. Cùng với hàng chục vạn ngày công trên các công trường làm đường, xẻ gỗ, dựng kho tàng, bến bãi từ Tà Lùng về xuôi, đảm bảo giao thông lên Tây Bắc ra chiến trường, nối liền hậu phương Cao Bằng với cả nước.
Những năm tháng ấy, lớp lớp thanh niên Cao Bằng hăng hái tình nguyện lên đường ra mặt trận. Trong các trận đánh ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, đã có những người con các dân tộc Cao Bằng chiến đấu dũng cảm phi thường và lập công xuất sắc, tiêu biểu là anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu, Lộc Văn Trọng.
Sau 56 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân đội ta, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng trong niềm hân hoan bất tận của cả dân tộc. Đây là chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến, anh dũng của nhân dân ta. Ngày 20/7/1954, Chính phủ Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ ne vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Từ đây, lịch sử đã sang trang mới, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, mà còn tạo nên sự cổ vũ lớn lao đối với các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tự hào đã khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho mặt trận, giành chiến thắng trong cuộc tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bài 10: Tích cực xây dựng hậu phương, sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất
Lê Chí Thanh