Cao điểm phòng chống COVID-19, sốt xuất huyết

Cao điểm phòng chống COVID-19, sốt xuất huyết
6 giờ trướcBài gốc
Bộ Y tế nhận định, trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp; nhiều loại bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng số mắc tại nhiều quốc gia, trong đó có bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19…
Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương. Từ đầu tháng 5/2025 đến nay, dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa, nhưng đã xuất hiện nhiều cơn dông, lốc, sét, mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất, đây là những điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch truyền nhiễm tại một số địa phương.
Thời gian tới là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương và ban ngành, đoàn thể các cấp phối hợp tốt với ngành y tế triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức đợt chiến dịch cao điểm tháng 6-7/2025; triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt (đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...).
Chính quyền cấp xã, từng tổ dân phố cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng và toàn xã hội trong việc loại bỏ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy nắp, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước sạch nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn… để phòng chống bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở giáo dục mầm non thường xuyên vệ sinh tay, chân cho trẻ nhỏ để phòng bệnh tay chân miệng; tuyên truyền tới từng hộ gia đình việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết để phòng chống bệnh COVID-19; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường ngay sau các đợt mưa bão, ngập lụt để phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần thực hiện các hoạt động truyền thông trong cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh năm 2025, lưu ý truyền thông theo nhóm nguy cơ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng phù hợp với từng địa phương.
Phát hiện sớm và đảm bảo công tác thu dung điều trị bệnh nhân
Các địa phương tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế dự phòng và điều trị trong việc cập nhật số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế; giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP); giám sát dựa vào sự kiện để cung cấp kịp thời thông tin các ca bệnh truyền nhiễm, những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh; phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt.
Đảm bảo cơ sở, nguồn lực trong điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Các địa phương tiếp tục rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; đề nghị các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Sở Tài chính cần cấp và bổ sung kinh phí kịp thời để chủ động triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt.
Đảm bảo hóa chất trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt; bố trí, phân công các đội cơ động chống dịch tại các địa điểm quan trọng, có nguy cơ cao, sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Nguyễn Chinh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/cao-diem-phong-chong-covid-19-sot-xuat-huyet-334230.htm