Phát hiện kho chứa 40.000 gói rong biển trôi nổi chuẩn bị tuồn ra thị trường ở Bắc Ninh.
Từ nay đến 15/6, các địa phương mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
“Nóng” thực phẩm, hàng hóa trôi nổi
Thời gian qua, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố liên tiếp phát hiện, thu giữ khối lượng lớn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tại TP Hà Nội, mới đây (ngày 13/5), Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra đột xuất một địa điểm tập kết hàng hóa tại khu đất đối diện ngõ 197 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 20 thùng xốp dán kín băng dính, bên trong chứa 800kg thực phẩm đông lạnh gồm trứng gà non và tràng gà.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là bà Đ.K.A. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Các thùng hàng không có nhãn mác, không ghi rõ nhà sản xuất, nơi sản xuất, cũng như điều kiện bảo quản theo quy định.
Bà Đ.K.A. khai nhận số hàng hóa trên vừa được thu mua và chưa kịp bán ra thị trường. Sau khi làm việc với lực lượng chức năng, bà thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời cam kết tự nguyện tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm sau khi có quyết định xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Đội QLTT số 17 cho biết, việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Những loại thực phẩm như trứng gà non và tràng gà nếu không được kiểm soát chất lượng và bảo quản đúng cách có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, tồn dư hóa chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Đây cũng là hành vi bị xử lý nghiêm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025 nhằm tăng cường kiểm soát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tương tự vụ việc trên, Công an TP Hà Nội thống kê, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng triển khai Tháng hành động vì ATTP (từ 10/4 - 6/5/2025) riêng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp Chi cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn, khối lượng lớn.
Tiêu biểu là vụ việc (ngày 6/5), tại điểm tập kết, kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại Km12, đường Ngọc Hồi (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) với hơn 7 tấn là thực phẩm đông lạnh.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 13/5 vừa qua, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh phát hiện và thu giữ 40.000 gói rong biển không rõ nguồn gốc tại một hộ kinh doanh ở huyện Gia Bình. Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán thực phẩm trôi nổi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh, chỉ trong năm 2024 và quý I/2025, địa phương đã phát hiện gần 2.560 vụ vi phạm, trong đó có 270 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 152 vụ hàng giả và gần 2.140 vụ gian lận thương mại, với tổng giá trị xử lý lên tới gần 480 tỷ đồng.
Những con số này cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm ATTP đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và ý thức cảnh giác từ phía người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa, thực phẩm 'bẩn' tại Hà Nội.
Mạnh tay đẩy lùi hàng giả
Theo báo cáo tại cuộc họp ngày 14/5, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm.
Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của tình hình ATTP, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Công an đã triệt phá và điều tra, xử lý hàng chục vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Đây là các vụ án hoạt động quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cũng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chấn chỉnh, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động cấp phép, kiểm nghiệm và hậu kiểm. Bên cạnh đó là gắn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Cũng tại cuộc họp ngày 14/5 trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, người tiêu dùng phải được đặt lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng yêu cầu trước hết mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5 - 15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập các chuyên án, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Ngăn chặn quảng cáo sai sự thật
Bộ VH,TT&DL được Thủ tướng Chính phủ giao sớm nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý những người lợi dụng uy tín của mình để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên môi trường mạng; cùng các cơ quan liên quan ngăn chặn những quảng cáo sai sự thật kiểu “thuốc chữa bách bệnh”.
Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm chính, chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm cấp phép, quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt chú ý các mặt hàng như thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm...
Đăng Chung