Bắc Hà (Lào Cai) có tài nguyên về du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa được xếp hạng, ghi danh gồm 4 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia: Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long và 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là di tích đồn Bắc Hà.
Bắc Hà có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc, trong đó "Nghi lễ kéo co dân tộc Tày, Giáy", "Thực hành Then Tày, Nùng, Thái" đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau dịch Covid-19, du lịch Bắc Hà (Lào Cai) khởi sắc trở lại với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa du lịch hấp dẫn. Trong năm 2023, tổng lượng khách đến Bắc Hà đạt 650.000 lượt người (gấp hơn 2 lần năm 2020) và trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 609.000 lượt người.
Những năm qua, huyện Bắc Hà nỗ lực, chú trọng bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Huyện đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu "Cao nguyên trắng" và xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng.
Các sản phẩm văn hóa du lịch như chợ đêm Bắc Hà, lễ hội đua ngựa, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà gắn với 4 mùa trong năm được du khách yêu thích và đánh giá cao. Các giá trị văn hóa, dân ca, dân vũ truyền thống, lễ hội được bảo tồn, phục dựng, tổ chức thường xuyên, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch.
Các làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy để góp phần thu hút khách du lịch tới trải nghiệm, tạo thêm sinh kế, như nghề rèn đúc nông cụ tại xã Na Hối và xã Bản Phố; chạm khắc bạc tại xã Na Hối; may trang phục dân tộc Tày tại các xã Tà Chải, Na Hối; đan nón lá tại xã Bản Liền; làm bánh chưng đen tại xã Tà Chải; chế tác nhạc cụ dân tộc Mông tại xã Bản Phố; làm yên ngựa của dân tộc Phù Lá tại xã Lùng Phình;…
UBND huyện Bắc Hà đang phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và là đột phá của huyện. Giai đoạn 2018 - 2023, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Bắc Hà đạt bình quân 10,2%/năm.
Du khách tới Bắc Hà không thể bỏ qua khu chợ Bắc Hà nổi tiếng, từng được bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á và khu vực châu Á
Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh Lào Cai xác định, Bắc Hà vẫn chưa phát huy hiệu quả tiềm năng để khẳng định vị thế du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển huyện Bắc Hà thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024 - 2030 là mục tiêu của đề án mà Sở Du lịch trình UBND tỉnh để triển khai trong thời gian tới đây.
Bắc Hà cần có những định hướng và giải pháp đồng bộ để bứt phá phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ "phát triển không gian du lịch mới tại Bắc Hà, hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt" theo Nghị quyết 11 ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ nay đến năm 2030, để trở thành điểm đến đặc sắc của khu vực Tây Bắc, Bắc Hà phải xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao và đặc sắc trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi của du lịch Bắc Hà; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu điểm đến Bắc Hà gắn với các điểm du lịch, tài nguyên, sản phẩm du lịch mang tính đại điện, độc đáo và ấn tượng về du lịch Bắc Hà; tập trung nâng cấp và xây dựng phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đồng bộ theo tiêu chuẩn du lịch ASEAN.
Bên cạnh đó, huyện cần đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm du lịch và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn cho du lịch. Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2025 Bắc Hà sẽ đón 1 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2030 đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 5.200 tỷ đồng.