Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi cao nhất 10 năm, dự báo giá cao su tiếp tục neo cao

Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi cao nhất 10 năm, dự báo giá cao su tiếp tục neo cao
7 giờ trướcBài gốc
Lợi nhuận lên cao nhất 10 năm
Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã cổ phiếu TRC - sàn HoSE) vừa cômg bố Báo cáo tài chính quý 4/2024 với doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 296 tỷ đồng.
Đồng thời, biên lãi gộp của công ty cũng cải thiện mạnh lên hơn 50%, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 149 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí trong kỳ lại được tiết giảm.
Kết quả, Cao su Tây Ninh ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 120 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Cao su Tây Ninh đạt mức cao nhất 10 măm qua.
Lũy kế cả năm 2024, công ty ghi nhận hơn 752 tỷ đồng doanh thu, tăng 34% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,2 lần, chạm mức cao nhất 10 năm trở lại đây.
Lý giải về kết quả trên, ban lãnh đạo Cao su Tây Ninh cho biết, kết quả kinh doanh tích cực chủ yếu đến từ việc giá bán mủ cao su neo cao, không chỉ tại công ty mẹ mà cả công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Campuchia). Giá bán mủ cao su của công ty đạt bình quân hơn 52 triệu đồng/tấn, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận nguồn thu đến từ việc thanh lý vườn cây cũng như tiết giảm chi phí lãi vay.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Cao su Tây Ninh đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng gấp 2,5 lần lên mức 260 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ vay tài chính của công ty giảm mạnh từ 209 tỷ đồng về còn khoảng 46 tỷ đồng. Đáng chú ý, Cao su Tây Ninh có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 222 tỷ trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ngoài ra còn có 1.239 tỷ đồng được ghi nhận ở quỹ đầu tư phát triển.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TRC của Cao su Tây Ninh từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Dự báo giá mủ cao su tiếp tục neo cao
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, giá mủ cao su tự nhiên có thể đang bước vào chu kỳ tăng giá mới khi diện tích trồng cao su tại nhiều nước sản xuất lớn đang bị thu hẹp hoặc có lộ trình thu hẹp dần, trong khi đó, nhu cầu ca su được dự báo tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, Thái Lan - vốn chiếm 33% tổng sản lượng cao su toàn cầu - đã có kế hoạch cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia, quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới, cũng có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cao su lớn cũng đang có xu hướng chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 23.000 ha trên 300.000 ha đất cao su (trong nước) sang đất khu công nghiệp.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ước tính thị trường toàn cầu thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm 2024. ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.
Trong các thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su trong năm 2024. Với sự hỗ trợ từ loạt chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su cho săm lốp, linh phụ kiện ô tô… Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, thị trường châu Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại cao su toàn cầu. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), châu Âu là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt 75 tỷ USD mỗi năm. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu sản phẩm cao su lớn nhất, chiếm khoảng 31 - 34,5% tổng xuất khẩu sản phẩm cao su toàn cầu.
Các doanh nghiệp châu Âu chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu cao su để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất lốp xe và các thiết bị công nghiệp. Với lợi thế về giá cao su và chất lượng sản phẩm, cao su Việt Nam đang dần nhận được sự quan tâm từ các nhà sản xuất tại châu Âu.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp cao su Việt Nam niêm yết trong năm 2025 có thể tăng trưởng gần 44% so với năm 2024.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/cao-su-tay-ninh--trc--bao-lai-cao-nhat-10-nam--du-bao-gia-cao-su-tiep-tuc-neo-cao-132581.htm