Nhiều lần đôn đốc vẫn chậm tiến độ
Theo báo cáo của Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng), đối với 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đầu tư công thuộc giai đoạn 2017-2020 gồm: Mai Sơn-quốc lộ 45, quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, hệ thống giám sát điều hành giao thông đã khởi công xây dựng từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2025. Nhà thầu đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bảo vệ thi công, đúc các kết cấu kiện bê tông lắp ghép, móng cột cần vươn và móng giá long môn dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9/2025.
Bộ Xây dựng yêu cầu hoàn tất lắp đặt hệ thống giám sát cao tốc Bắc-Nam trước 31/10/2025.
Các gói thầu thiết bị đã mở thầu, hoàn thành lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 4/2025, chậm 20 ngày so với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nguyên nhân chậm tiến độ được phía Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng chỉ ra là do thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu phải kéo dài để làm rõ một số nội dung của hồ sơ dự thầu.
Theo kế hoạch, các gói thầu này hoàn thành vào cuối tháng 10/2025. Riêng gói thầu cung cấp phần mềm dùng chung, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã phê duyệt dự toán ngày 21/3, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu ngày 27/3, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu ngày 15/5/2025, chậm 35 ngày so với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thuộc giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra, trong đó 10/12 dự án đã ký hợp đồng, 2 dự án thành phần do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế vào ngày 22/4, ký hợp đồng vào cuối tháng 4/2025, chậm 20 ngày so với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Hiện 12/12 dự án thành phần đang được các chủ đầu tư triển khai thực hiện hệ thống giám sát điều hành giao thông, dự kiến hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán của 6 dự án thành phần gồm: Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang trong tháng 5/2025. Bốn dự án thành phần gồm: Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau dự kiến hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán vào đầu tháng 6/2025 (chậm 8-14 ngày so với chỉ đạo của Bộ trưởng), 2 dự án thành phần còn lại Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng hoàn thành cuối tháng 6/2025 (chậm 22 ngày so với chỉ đạo của Bộ trưởng).
Từ cuối năm 2024 đến nay, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều dự án vẫn tiếp tục chậm, trong đó tiến độ tập trung tại công tác triển khai đầu tư hệ thống đầu cuối và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ, gói thầu cung cấp phần mềm dùng chung cho các dự án cao tốc Bắc-Nam, khi hệ thống này chưa hoàn thành đầu tư xây dựng thì chưa thể thực hiện công tác thu phí.
Mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ từ 900-1.300đ/km
Để đảm bảo hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh, các trạm thu phí và hệ thống kiểm soát tải trọng xe trước ngày 31/10/2025; tích hợp hệ thống, vận hành thử từ ngày 1/11-31/12/2025 và triển khai thu phí từ ngày 1/1/2026, Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành lựa công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị để đảm bảo hoàn thành toàn bộ hệ thống trước ngày 31/10/2025.
Đối với giai đoạn 2021-2025, các ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra khẩn trương hoàn thành công tác lập, thẩm tra hồ sơ thiết kế và dự toán bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở để thẩm định và phê duyệt trong tháng 5/2025, nghiên cứu tách công tác xây lắp (trung tâm điều hành, nhà điều hành thu phí, hạ tầng trạm kiểm tra tải trọng xe, đường quay đầu xe, hệ thống giá long môn,...) để khởi công xây dựng ngay trong tháng 5/2025, các hạng mục còn lại yêu cầu hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và khởi công trong tháng 6/2025; hoàn thành toàn bộ hệ thống trước ngày 31/10/2025.
Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu cung cấp phần mềm dùng chung tại dự án thành phần Hàm Nghi-Vũng Áng để khởi công trong tháng 6/2025, bắt đầu cài đặt phần mềm cho cả 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vào đầu tháng 8/2025, hoàn thành trước ngày 31/10/2025.
Cục Đường bộ Việt Nam được giao tổ chức thu phí đối với các tuyến cao tốc nêu trên sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 130/2024 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức, quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Về mức phí, đối với 4 tuyến cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục là: Mai Sơn-QL45, QL45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Vĩnh Hảo-Phan Thiết chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ, sẽ có mức phí là 900 đồng/km.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục) sẽ có mức phí là 1.300 đồng/km. Đối với 7 tuyến cao tốc chưa đủ điều kiện thu gồm: Hà Nội-Thái Nguyên, Lào Cai-Kim Thành, Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, Mỹ Thuận-Cần Thơ (bao gồm cầu Mỹ Thuận 2), Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ nghiên cứu để tiếp tục lập đề án khai thác ở giai đoạn sau.
Đề xuất mở rộng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên quy mô 10 làn xe theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Lý giải đề xuất này, doanh nghiệp cho biết lưu lượng xe qua trạm thu phí hiện đạt khoảng 53.500 lượt/ngày đêm. Trong khi đó, theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, lưu lượng mãn tải của tuyến vào năm 2022 chỉ ở mức hơn 46.000 lượt/ngày đêm. Đáng chú ý, lưu lượng phương tiện tiếp tục tăng đều với tốc độ khoảng 11% mỗi năm trong ba năm gần đây. Do đó, việc sớm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế lưu lượng tăng nhanh, Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép lập đề xuất chủ trương mở rộng tuyến lên 10 làn xe theo phương thức PPP nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có tổng chiều dài hơn 46km, được đưa vào khai thác từ tháng 4/2016 và bắt đầu thu phí từ tháng 5 cùng năm, thời gian thu phí kéo dài 21 năm.
Đặng Nhật