Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, đoạn cao tốc dài gần 20 km từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo sẽ được thông xe kỹ thuật vào ngày 19-4. Đây là bước chạy đà cho việc đưa tuyến chính vào khai thác từ ngày 28-4 – thời điểm cả khu vực sẽ chứng kiến sự lột xác đáng kể về hạ tầng giao thông.
Gần 20km cao tốc Bến Lức - Long Thành chuẩn bị thông xe kỹ thuật
Song hành cùng sự kiện này, hai đơn nguyên cầu vượt trên Quốc lộ 50 – điểm giao cắt quan trọng giữa tuyến quốc lộ huyết mạch và cao tốc – cũng sẽ đồng loạt thông xe. Cầu vượt này nằm trên địa bàn xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), nơi thường xuyên chịu cảnh ùn tắc do lưu lượng xe dày đặc.
Trước đó, một đơn nguyên cầu được thông xe tạm thời từ trước Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm. Sau đó, nhà thầu tiếp tục xây dựng đơn nguyên thứ hai. Hiện các phương tiện đã được điều tiết lưu thông sang cầu mới hoàn thiện, tạo điều kiện thi công nốt các hạng mục còn lại của đơn nguyên cũ. Dự kiến, đến ngày 28-4, toàn bộ cầu sẽ chính thức đi vào khai thác.
Mỗi đơn nguyên cầu vượt trên Quốc lộ 50 được thiết kế 3 làn xe chạy một chiều, hứa hẹn giải tỏa đáng kể áp lực cho tuyến đường vốn quá tải nhiều năm qua. Việc đồng bộ cầu vượt và đoạn cao tốc này không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn mở ra kỳ vọng mới cho bài toán giao thông liên vùng giữa TP HCM, Long An và Đồng Nai.
Theo ghi nhận, đoạn cao tốc chuẩn bị thông xe đã cơ bản hoàn tất: mặt đường đã được trải nhựa, hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, trạm thu phí… đều đã sẵn sàng. Công nhân đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối như sơn vạch kẻ đường, lắp đặt biển báo để chuẩn bị cho ngày thông xe trọng đại.
VEC – đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết lễ thông xe kỹ thuật sẽ được tổ chức long trọng nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 – 1-5-2025). Sự kiện mang nhiều ý nghĩa không chỉ với ngành giao thông mà còn với các địa phương đang kỳ vọng vào cú hích hạ tầng để bứt phá phát triển.
Theo lộ trình, trước ngày 30-4, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào khai thác hai đoạn gồm gần 14 km từ nút giao Phước An đến đường Vành đai 3 TP HCM và 18,8 km từ Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài toàn tuyến 58 km, thiết kế 4 làn xe cùng hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa lên đến 100 km/h. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ước tính hơn 31.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành toàn tuyến, dự án sẽ tạo hành lang kết nối chiến lược giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ mà không cần đi xuyên qua trung tâm TP HCM – vốn đang quá tải cả về dân số lẫn hạ tầng.
Tuyến cao tốc này không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông, tiết kiệm chi phí vận tải, mà còn đóng vai trò "xương sống" trong chiến lược phát triển hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Toàn cảnh cao tốc Bến Lức - Long Thành:
Theo lộ trình, trước ngày 30-4, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào khai thác hai đoạn gồm gần 14 km từ nút giao Phước An đến đường Vành đai 3 TP HCM và 18,8 km từ Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè)
Khi hoàn thành toàn tuyến, dự án sẽ tạo hành lang kết nối chiến lược giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ
Đoạn cao tốc chuẩn bị thông xe đã cơ bản hoàn tất: mặt đường đã được trải nhựa, hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, trạm thu phí
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài toàn tuyến 58 km, thiết kế 4 làn xe cùng hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa lên đến 100 km/h
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ước tính hơn 31.000 tỉ đồng
Ngọc Quý