Lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Nằm trong tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9 km. Đây là tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/h với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m.
Tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có tổng chiều dài 117 km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là trục giao thông chiến lược rất quan trọng, giúp kết nối các tỉnh khu vực phía Nam sông Hồng, Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (TP. Hải Phòng) và các tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực và giữa các địa phương Duyên hải Bắc Bộ, mở ra không gian phát triển mới cho Vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói chung và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nói riêng.
Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, chủ đầu tư là các nhóm nhà đầu tư là Liên danh Geleximco - Vinaconex - Phuong Thanh Tranconsin - Naso CO - Hoang Cau IIC.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông” với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”; đồng thời đề ra chủ trương: “Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển”.
Theo Thủ tướng, muốn làm giàu, phát triển công nghiệp thì phải làm đường, trong khi tại Đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là tỉnh khó khăn nhất về giao thông. Từ năm 2021 đến nay, Thái Bình đã hoàn thành đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng 1.182 km đường ở 4 cấp, nhưng nhìn chung mới có đường phục vụ phát triển nông nghiệp chứ chưa có nhiều tuyến đường phục vụ phát triển công nghiệp.
Thực tế đã chứng minh "mở đường đến đâu, văn minh đến đấy"; mở đường sẽ mở ra không gian phát triển mới; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh; phát triển của các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; quỹ đất được khai thác hiệu quả; thời gian đi lại, chi phí logistics giảm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phát huy kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trên cả nước thời gian qua, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Tuyến cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài, để có đủ điều kiện khởi công dự án hôm nay, Chính phủ cùng các ngành chức năng, địa phương và nhà đầu tư đã phải cùng nhau xử lý một khối lượng lớn công việc với rất nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách đặc thù, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn…
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tỉnh Thái Bình, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, công nhân, người lao động đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để có Lễ đồng khởi công ngày hôm nay. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu dự án cần đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu sớm đưa vào khai thác từng bước đưa Thái Bình trở thành “cứ điểm” sản xuất mới.
Theo Thủ tướng, Thái Bình có đầy đủ lợi thế để bứt phá. Thái Bình nằm ở vị trí chiến lược kết nối tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hơn 50 km đường bờ biển, quỹ đất công nghiệp dồi dào, được Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình rộng hơn 30.000 ha…
Trong quá trình đất nước phát triển mạnh hạ tầng chiến lược và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vùng đất nơi đây có cơ hội trở thành một trung tâm công nghiệp - dịch vụ - năng lượng tái tạo của khu vực ven biển Bắc Bộ.
Thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thái Bình đã sớm có những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện quan trọng để phát triển các khu công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư, bước đầu phá thế “cô lập”, “ốc đảo”, kết nối đồng bộ nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng.
Nhấn mạnh việc khởi công các hạng mục hôm nay chỉ là bước khởi đầu, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà thầu huy động tối đa máy móc, nhân lực để tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án, không đội vốn; Các bộ, ngành liên quan cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp với địa phương, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, quy định pháp luật tỉnh Thái Bình tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Đại diện nhà đầu tư, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco cho biết: tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lớn nhất ngành Giao thông vận tải Việt Nam hiện nay.
Thay mặt liên danh đầu tư, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco cam kết tập trung nguồn lực, nỗ lực thi công, chủ động triển khai Dự án để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật công trình, đáp ứng được tất cả các yêu cầu đề ra.
Chính sách đối tác công tư đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông Tiền cho rằng cơ chế PPP là cầu nối thiết thực giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, tạo điều kiện để tư nhân tham gia vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, năng lượng… không chỉ giúp chia sẻ rủi ro, huy động nguồn lực ngoài ngân sách mà còn phát huy vai trò sáng tạo, năng động của doanh nghiệp tư nhân.
Được biết tại dự án này, Nhà đầu tư cũng sẽ thay đổi cách thức quản lý, vận hành Dự án bằng việc áp dụng mô hình quản lý BIM (Mô hình thông tin công trình) trong công tác thiết kế và từng bước áp dụng trong thi công, quản lý, vận hành.
Đây là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành Xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt trong vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Cơ quan quản lý Nhà nước, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp Dự án, Nhà thầu xây dựng… trong việc tối ưu công tác quản lý, giám sát, thi công, hạn chế lỗi và giảm thiểu chi phí thi công xây dựng, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.
“Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư là dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp Nhà đầu tư đề xuất dự án (Tập đoàn GELEXIMCO - Công ty cổ phần) tổ chức lập chủ trương đầu tư và đã được Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương thẩm định”.
Ông Nguyễn Mạnh Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình
Hà Phương