Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dự kiến hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thành tỉnh mới là tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Đây là tiền đề để tỉnh Quảng Ngãi mới mở rộng không gian phát triển, mở ra cơ hội để vừa khai thác thế mạnh từ biển, vừa phát huy tiềm năng phát triển khu vực miền núi Kon Tum. Tuy vậy, hiện nay, từ tỉnh Quảng Ngãi lên tỉnh Kon Tum bằng Quốc lộ 24, lòng đường hẹp, đường đèo quanh co, hiểm trở, đi lại rất khó khăn.
Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi và Kon Tum đường nhỏ, đèo dốc quanh co khiến việc đi lại khó khăn hơn
Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng phương án đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hình thức đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài khoảng 136 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80–100km/h, mặt cắt ngang 24,75m. Cao tốc đi qua thị xã Đức Phổ; huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (dài 58 km) và các huyện Kon Plông; Kon Rẫy; thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (dài 78km). Điểm đầu giao với cao tốc Bắc – Nam phía đông tại thị xã Đức Phổ; điểm cuối nối cao tốc Bắc – Nam phía Tây tại thành phố Kon Tum. Đây là dự án thuộc nhóm dự án giao thông quan trọng quốc gia, khái toán tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phúc Nhân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết:“Hiện nay Ban Quản lý dự án 85 đang xúc tiến lập dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đây là dự án rất quan trọng, tạo động lực phát triển, đặc biệt sự kết nối liên vùng giữa Quảng Ngãi với Kon Tum. Khi dự án này hoàn thành, ngoài việc tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thì tạo động lực vận tải, logistic giữa Quảng Ngãi, Kon Tum cũng như Tây Nguyên”.
Măng Đen điểm đến hấp dẫn nhưng đường đi lại còn khó khăn nên khi có cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum là cú hích phát triển du lịch
Ngoài ra, tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, khách du lịch là “sáng tắm biển Quảng Ngãi- chiều bên bếp lửa Măng Đen”. Cao tốc này sẽ nối 2 địa điểm du lịch nổi tiếng là Măng Đen, huyện Kon Plong, được ví như Đà Lạt của Kon Tum và biển đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Du khách có thể vừa trải nghiệm du lịch rừng núi, farm nổi tiếng ở Kon Tum, đồng thời có thể hòa vào dòng nước biển trong xanh ở Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Văn Hoa, Giám đốc Công ty du lịch Cocotraval Quảng Ngãi kỳ vọng: Dự án sẽ là cú hích không chỉ cho Logistic mà du lịch cũng sẽ cất cánh.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, được Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng) triển khai nghiên cứu tiền khả thi. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có cao tốc đi qua chủ động phối hợp thực hiện các phần việc liên quan nhằm sớm khởi công dự án.
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Dự án quan trọng này đang chuẩn bị trong bối cảnh 2 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum bàn các phương án hợp nhất cho thấy tính đúng đắn, tầm quan quan trọng của cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum. Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đang nghiên cứu phương án tiền khả thi. Luật đã cho phép tách phần bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng nên 2 tỉnh sẽ phải chủ động triển khai phần việc này. Khi dự án được phê duyệt và bố trí vốn thì triển khai nhanh và thuận lợi.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum
Trong Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đề nghị 2 địa phương sớm bàn phương án giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để khi có nguồn vốn từ Trung ương thì dự án cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum được triển khai nhanh nhất và thuận lợi nhất.
Thành Long/VOV- Miền Trung