Một đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Nguồn: VGP.
Thông báo kết luận nêu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tham mưu việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận từ tháng 7/2023; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất đầu tư tại văn bản số 6727 ngày 31/8/2023.
Trong thời gian nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn và giao nhà đầu tư đề xuất dự án, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ còn chậm so với yêu cầu, tuy có nguyên nhân khách quan (cần chờ Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công dự án trong quý 2/2025.
Về quy mô đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cơ bản đồng ý với phương án Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất đề xuất.
"Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư cần trao đổi thêm với các địa phương liên quan để thống nhất lựa chọn quy mô đầu tư tối ưu, bảo đảm khả thi và để triển khai đầu tư xây dựng mở rộng trong thời gian sớm nhất; không thể để xảy ra tình trạng đầu tư xây dựng xong nhưng trong ngắn hạn đã gây ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư đề xuất dự án mở rộng và tư vấn chịu trách nhiệm về số liệu tính toán, dự báo, nhất là về lưu lượng phương tiện lưu thông," Phó Thủ tướng chỉ đạo trong thông báo kết luận.
Về cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo phương thức PPP, tại văn bản số 5498 ngày 20/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo "nên giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền". Do vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải trao đổi với UBND tỉnh Tiền Giang (hoặc địa phương liên quan), trường hợp thống nhất được việc giao địa phương nào làm cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 1/2025, trên tinh thần đảm bảo thuận lợi và năng lực tổ chức triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Trường hợp Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo phù hợp về năng lực tổ chức triển khai và có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công thì cần báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
Về lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2023, đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể.
Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đoạn TP HCM - Trung Lương lên quy mô 10-12 làn xe. Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, khẩn trương phối hợp với các địa phương liên quan, lập dự án giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn hợp pháp, khả thi để giao các địa phương triển khai ngay, tránh phát sinh chi phí và thuận lợi khi đầu tư mở rộng.
Trước đó, ngày 9/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp với một số Bộ cùng TP HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức hợp tác công tư (PPP).
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã làm rõ những vấn đề, yêu cầu đặt ra khi thực hiện trình tự thủ tục hồ sơ dự án bao gồm: phương án giải phóng mặt bằng toàn tuyến theo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2050; quy định đầu tư mở rộng tuyến đường hiện hữu theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT); phương án thu hồi khoản vốn ngân sách Nhà nước ứng trước để đầu tư đoạn TP HCM - Trung Lương từ nguồn thu phí của Dự án đầu tự mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận khi đầu tư theo phương thức PPP…
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài khoảng 91km, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Trong đó, đoạn TP HCM - Trung Lương được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước ứng trước, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010 với chiều dài 40km, quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 8 làn xe.
Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP, đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2022 với chiều dài 51km, quy mô 4 làn xe hạn chế, giải phóng mặt bằng 6 làn xe.
Do chưa thể cân đối vốn ngân sách đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương đề xuất phương án PPP trên toàn tuyến. Theo đó, đoạn TP HCM - Trung Lương sẽ mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe, Trung Lương - Mỹ Thuận từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe.
Thu Thảo
Theo Cổng TTĐT Chính phủ