Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chậm tiến độ, Bộ GTVT chỉ đạo 'nóng'

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chậm tiến độ, Bộ GTVT chỉ đạo 'nóng'
4 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, công tác thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu
Cần bù đắp ngay phần tiến độ bị chậm
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang về tình hình thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Theo Bộ GTVT, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan đã nỗ lực khắc phục khó khăn để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số nội dung tồn tại chưa được giải quyết về công tác GPMB, công tác triển khai xây dựng chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Theo báo cáo ngày 4/11/2024 của UBND tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, dự án đã bàn giao mặt bằng được 56,96/69,7 km (đạt 81,72%), còn 12,74/69,7 km chưa được bàn giao; tổng giá trị thực hiện lũy kế đến nay là: 718,43/4.938,67 tỷ đồng, đạt 14,55% giá trị hợp đồng và đạt 58% kế hoạch đề ra.
Dự án nằm trong danh mục 3.000 km đường cao tốc hoàn thành vào năm 2025. Để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương rà soát, tăng cường năng lực chuyên môn, tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý dự án bảo đảm đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để triển khai, thực hiện dự án đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Về công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị giải quyết các thủ tục liên quan, các khó khăn, vướng mắc để sớm thu hồi diện tích đất còn lại bảo đảm tiến độ hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện 80/2024, Công điện 54/2024 và các Thông báo kết luận 432/2024, 391/2024 của Văn phòng Chính phủ.
Về công tác triển khai thi công, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư căn cứ các điều kiện triển khai thực tế của từng gói thầu, xây dựng lại tiến độ chi tiết, đề xuất các giải pháp phù hợp đề bù đắp phần tiến độ bị chậm; xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến, lưu ý xây dựng thời gian dự phòng cho phù hợp, làm cơ sở đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị tuân thủ các quy định của quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt cho dự án; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận điều chỉnh, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án (nếu cần thiết) theo quy định hiện hành.
Bộ GTVT đã có các Công điện 14/2023, 55/2023 và các Văn bản 4717/2024, 5356/2024 đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nghiên cứu thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ GTVT cũng yêu cầu thực hiện công tác bảo đảm ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động, thiết bị thi công, công trình lân cận, nhân dân khu vực dự án trong quá trình thi công.
Trong thời gian qua, ở một số đoạn tuyến gặp tình trạng máy móc "đắp chiếu", công nhân "đói việc" do dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của dự án
Trong thời gian qua đã xảy ra một số trận bão, trong đó, cơn bão số 3 (bão YAGI) là cơn bão lịch sử, gây mưa lũ kéo dài làm ngập lụt, sạt lở tại nhiều nơi thuộc các tỉnh miền Bắc, bao gồm địa phận tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 29/9, Bộ GTVT có Công điện 43 gửi các cơ quan, đơn vị về việc tập trung khắc phục sự cố sụt trượt gây ách tắc giao thông và ứng phó với tình hình mưa, lũ.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các đơn vị liên quan đánh giá tác động của cơn bão YAGI, rà soát kỹ các hồ sơ khảo sát (thủy văn, địa hình, địa chất), đặc biệt lưu ý các vị trị bị ngập lụt, sạt lở (nếu có) trong khu vực dự án, trên cơ sở đó kiểm tra lại hồ sơ thiết kế (cao độ mặt đường, thiết kế nền đường, gia cố mái taluy, bố trí hệ thống thoát nước…) để điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần); bảo đảm độ tin cậy, ổn định và an toàn khai thác công trình lâu dài.
Bộ GTVT cho biết, về việc triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS), hiện nay, Luật Đường bộ 2024 và Nghị định 130/2024 đã ban hành, đồng thời Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 06/2024 về Quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc - QCVN 115:2024/BGTVT và Văn bản 2733/2024 về việc triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh tại các tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư rà soát, nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống ITS để khai thác đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm thống nhất trên toàn tuyến cao tốc và mạng lưới cao tốc trong khu vực.
Về trạm dừng nghỉ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 15/2024 quy định mẫ hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, tổ chức thực hiện công tác đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ bảo đảm hoàn thành, đưa vào sử dụng đồng bộ với đường cao tốc.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Tuyên Quang với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về GTVT trên địa bàn, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra việc thực hiện dự án, tổ chức giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng theo quy định.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có tổng chiều dài tuyến 27,480 km. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, mặt cắt ngang nền đường rộng 12 m, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 3.198 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 1.154 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách địa phương 2.044 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025.
Ánh Minh
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/cao-toc-tuyen-quang-ha-giang-cham-tien-do-bo-gtvt-chi-dao-nong-183241126114918386.htm