Cấp bách chống lãng phí

Cấp bách chống lãng phí
4 giờ trướcBài gốc
“Điển hình của bệnh lãng phí” là nhận xét của nhiều người khi tham dự hội nghị tập huấn được một cơ quan cấp tỉnh tổ chức ở TP. Đông Hà mới đây. Giải thích cho nhận xét này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh cách thức tổ chức hình thức thì việc chuyển tải các nội dung của hội nghị cũng rất hạn chế bởi ngoài những vấn đề được đề cập trong tài liệu, người tham dự không tiếp thu thêm được điểm gì mới.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều đại biểu sử dụng điện thoại vào việc riêng và số lượng người tham dự giảm dần theo từng buổi. Có ý kiến thẳng thắn: Đây là hội nghị “giải ngân”, vì kế hoạch tổ chức đã phê duyệt đầu năm, gần cuối năm không tổ chức thì kinh phí cũng phải trả lại cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, số tiền bố trí phục vụ việc ăn, nghỉ tập trung cho hàng chục cán bộ các cấp trong mấy ngày không phải là ít.
Không chỉ trong hội họp, hoạt động của cơ quan nhà nước, lãng phí đang diễn ra ở các lĩnh vực khác. Như nguồn lực đất đai sử dụng chưa hiệu quả khi nhiều diện tích đất “vàng” ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt đang bỏ không, đầu tư dang dở do doanh nghiệp thiếu năng lực, trách nhiệm; các tuyến đường ở TP. Đông Hà như Nguyễn Trãi nối dài, Bà Triệu, Trường Chinh, Trần Nguyên Hãn... sau nhiều năm thi công, gia hạn nhiều lần vẫn chưa thể hoàn thành do công tác khảo sát, thiết kế, huy động nguồn lực đầu tư... chưa sâu sát, phù hợp.
Trên bình diện chung cả nước, tình trạng lãng phí vẫn phổ biến. Như Dự án ngăn triều được đầu tư gần 10.000 tỉ đồng tại TP. Hồ Chí Minh, khởi công từ năm 2016 với mục tiêu kiểm soát ngập lụt cho 570 km2 và bảo vệ 6,5 triệu cư dân ven sông Sài Gòn, sau 8 năm, dù đã hoàn thành 90% khối lượng vẫn đang bị tạm dừng từ năm 2020 do những vướng mắc về tài chính và pháp lý. Dự án ngăn triều này đang trở thành gánh nặng cho ngân sách là sự lãng phí trong đầu tư hạ tầng.
Trong lĩnh vực quản lý tài sản công, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến giữa năm 2024, cả nước còn 63.400 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Trong đó, có hàng nghìn cơ sở đang để không nhiều năm, tọa lạc ở vị trí đắc địa tại các đô thị lớn...
Không thể phủ nhận thành quả chống lãng phí của Đảng, Nhà nước thời gian qua, tuy nhiên kết quả này vẫn chưa như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển...Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”. Tổng Bí thư đã nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân lãng phí, từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống lãng phí.
Trong định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị xác định: Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực và toàn xã hội, trước hết là trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Ngày 26/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/ NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một trong những mục tiêu của chương trình là xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW đạt hiệu quả cao nhất. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tất cả các cấp, ngành và cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của toàn xã hội. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chủ trương, pháp luật, quy định hiện hành cần phải khắc phục triệt để tình trạng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mang tính đối phó, hình thức, chiếu lệ.
Tập trung nhận diện rõ lãng phí đang diễn ra ở địa phương, cơ quan, cá nhân nào, các dạng thức lãng phí và nguyên nhân gây lãng phí, tác hại của lãng phí để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân giám sát, phát hiện, phản ánh cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi lãng phí.
Anh Quân
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/cap-bach-chong-lang-phi-189596.htm