Nhiệm vụ quan trọng
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại thời điểm chuyển giao công tác sát hạch lái xe sang Bộ Công an, cả nước có khoảng 705.105 người đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa được tổ chức sát hạch lái xe. Trong đó, 340.483 trường hợp thuộc diện cấp giấy phép lái xe ô tô; 364.622 trường hợp thuộc diện cấp giấy phép lái xe mô tô. Riêng tại TP Hà Nội có 72.978 hồ sơ chờ sát hạch.
Học viên thực hành xử lý tình huống mô phỏng trên ca bin tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh. Ảnh: Quốc Phương
Ngay từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, thực hiện chỉ đạo sát sao của Cục CSGT (Bộ Công an), Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội (CATP), Ban Chỉ huy Phòng CSGT Hà Nội đã tham mưu cho CATP chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, phương tiện, trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Sở Xây dựng để triển khai tiếp nhận, bàn giao công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người dân trên địa bàn TP một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Ngày 24/6, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương, huyện Thạch Thất, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã tổ chức kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô đầu tiên sau khi đơn vị này nhận nhiệm vụ. Đến nay, Hà Nội đã tiến hành sát hạch cho hơn 10.000 thí sinh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, lượng hồ sơ tồn đọng vẫn còn nhiều, hàng chục nghìn người vẫn chưa sát hạch. Ngoài ra, vẫn còn hàng nghìn người đang trong quá trình đào tạo. Người dân chưa chuẩn bị kỹ kiến thức sau thời gian chờ sát hạch, tỷ lệ trượt cao khiến cho hồ sơ thi lại cũng tăng nhanh. Anh Nguyễn Văn Toàn trú tại phường Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi đã hoàn thành xong quá trình đào tạo và thi lấy chứng chỉ vào tháng 5, thế nhưng vẫn chưa thể đăng ký thi vì chưa có thời gian ôn luyện. Số hồ sơ tồn lại quá nhiều nên chưa đặt lịch ôn luyện tại trung tâm được”. Tương tự, chị Nguyễn Thu Hà trú tại phường Mỹ Đình cho biết: “Trong thời gian chờ thi, tôi hàng ngày vẫn ôn lại kiến thức. Vừa qua, có thông tin CSGT Hà Nội đẩy nhanh tiến độ sát hạch bằng lái xe, tôi rất mong được thi sớm để có bằng lái xe khi tham gia giao thông”.
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, do có thời gian chuẩn bị kỹ càng, lực lượng chức năng đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, sát hạch viên, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng cùng các trung tâm đào tạo lái xe để triển khai nhanh chóng, thuận lợi nhất. Tuy vậy, nhiều người dân cho rằng với nhu cầu được cấp bằng lái xe cao như hiện nay, Hà Nội vẫn cần tổ chức các kỳ sát hạch liên tục với khối lượng lớn để người dân được cấp bằng lái và điều khiển phương tiện ra đường.
Tổ chức sát hạch liên tục
Trước thực tế như hiện nay, Phòng CSGT triển khai kế hoạch cao điểm sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với sự phối hợp của 53 cơ sở đào tạo, 17 trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn TP. Trung tá Phạm Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, thời gian này, đơn vị tăng cường sát hạch viên, tập trung tối đa nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho số học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa được sát hạch, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Phòng CSGT sẽ tổ chức làm việc trực tiếp với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch để rà soát, thống kê chi tiết, cụ thể, chính xác số lượng học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa được sát hạch; việc thống kê cần được thực hiện khẩn trương, đầy đủ và đúng thực tế, làm căn cứ quan trọng để xây dựng phương án điều hành, phân bổ số lượng và thành lập các Hội đồng sát hạch phù hợp với từng trung tâm, từng thời điểm, bảo đảm không bỏ sót hoặc gây quá tải đối với các trung tâm.
Theo Trung tá Phạm Hoài Nam, về năng lực tổ chức, Phòng CSGT có thể thành lập từ 5 đến 7 hội đồng sát hạch mỗi ngày, tương đương với khoảng 2.000 – 3.000 học viên được dự thi/ngày. Lịch tổ chức sát hạch sẽ được Phòng CSGT thông báo định kỳ hằng tháng để các cơ sở chủ động phối hợp. Phòng CSGT đề nghị các cơ sở đào tạo lập danh sách đăng ký ưu tiên đối với những học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo trước đó; chủ động gửi thông tin phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông để xây dựng kế hoạch tổ chức hội đồng sát hạch. “Đồng thời, các cơ sở cần thông báo kịp thời danh sách học viên và tổ chức ôn luyện đầy đủ nhằm bảo đảm kết quả dự thi đạt chất lượng cao. Đối với các học viên mới đăng ký, các cơ sở đào tạo phải tổ chức chương trình học đầy đủ theo quy định, bảo đảm chất lượng giảng dạy cả về kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác cấp giấy phép lái xe” - Trung tá Phạm Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết.
Giám đốc Trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe TP Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) Lê Đình Thanh, cho biết: “Trung tâm đã chủ động tổ chức triển khai đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của học viên. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ mà còn là giải pháp quan trọng trong quản lý người điều khiển phương tiện, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư và số hóa công tác quản lý phương tiện giao thông”.
Thời gian tới, Phòng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch, bảo đảm tổ chức thi đúng tiến độ, đúng quy trình và đúng quy định pháp luật; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ lịch trình, chủ động tham gia các đợt sát hạch một cách hiệu quả, nghiêm túc.
Phạm Công