Cấp bách mở rộng, tháo 'nút cổ chai' cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Cấp bách mở rộng, tháo 'nút cổ chai' cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
2 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn lên 8 đến 10 làn xe. Việc cấp bách mở rộng cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển mà còn đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông trong khu vực.
Cảnh phương tiện chật vật, nối đuôi nhau xếp hàng kéo dài, có khi lên tới hơn 10km từ nút giao Quốc lộ 51 về nút giao An Phú là câu chuyện thường trực trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có lưu lượng xe cộ lớn nhất nội vùng Đông Nam Bộ. Do đó, tình trạng kẹt xe thường xảy ra, đặc biệt là cuối tuần, các dịp lễ tết. Thời gian ùn ứ thường từ 6 giờ đến 11 giờ sáng tại đoạn Km4 - Km12 hướng từ TP.HCM đi Long Thành. Còn hướng từ Long Thành đi TP.HCM thường ùn ứ đoạn Km12 - Km23 vào chiều và tối. Nhất là mỗi lần xảy ra va chạm hay một sự cố xe chết máy cũng khiến phương tiện chôn chân nhiều giờ liền.
"Cao tốc thông tới Vĩnh Hảo, Nha Trang nên người ta đi nhiều hơn nhưng lỡ xảy ra sự cố thì mất khoảng gần 1 tiếng, 45 phút mới giải quyết xong sự cố. Khi mà mở thêm sân bay Long Thành nối về cao tốc Long Thành - TP.HCM mà nếu không cải thiện tốt được tình trạng trên tuyến thì chắc sẽ kẹt nhiều hơn".
"Thứ 6, thứ 7 lượng người đi chơi nhiều nên sẽ ùn tắc nhiều hơn. Bên quốc lộ 51 hàng tàu, hàng cảng dịp lễ tết tập trung rất nhiều. Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nếu mở được sẽ giảm áp lực giao thông nhiều hơn".
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - Đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có quy mộ 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, dài gần 55km. Lưu lượng phương tiện tăng trung bình 10-11%/năm. Tuyến đang trong tình trạng mãn tải.
“Đoạn tuyến từ TP.HCM đi Long Thành đã vượt quá giới hạn thông hành năng lực 4 làn xe. Do vậy, khó đáp ứng được khả năng thông hành khi Cảng quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là cần thiết và cấp bách, để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an toàn giao thông cho cả vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung”, bà Phương cho biết.
Số liệu từ đơn vị quản lý cao tốc, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, xe lưu thông trên cao tốc này đạt 11,68 triệu lượt, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện lưu lượng đã vượt 25% so với năng lực. Chưa kể trên tuyến đã xảy ra 41 vụ tai nạn hoặc va chạm; 109 vụ xe hư hỏng ở khu vực cầu Long Thành.
Trong khi đó, việc triển khai cứu hộ, di dời phương tiện gặp nhiều khó khăn do lưu lượng xe lưu thông dày đặc.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, để giải quyết bài toán ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các đơn vị chức năng đã thường xuyên phối hợp, tổ chức phương án phân luồng từ xa.
“Đơn vị xây dựng kế hoạch điều tiết, phân luồng giao thông cụ thể theo từng thời điểm, tình hình giao thông. Ví dụ như dịp hè, cuối tuần, ngày lễ tết, đơn vị tăng cường phối hợp với cảnh sát giao thông C08, cơ quan quản lý giao thông, công an địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng để có thông tin rõ ràng đến người tham gia giao thông. Cũng như áp dụng các công nghệ hỗ trợ như camera giám sát giao thông, các ứng dụng giao thông để giúp việc điều tiết hiệu quả hơn”.
Đánh giá hệ lụy về tình trạng ùn tắc nhiều năm qua trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết:
“Với đặc thù là lưu lượng phương tiện lớn tập trung vào các trục giao thông lớn thì tình trang ùn tắc thường xuyên xảy ra không chỉ là gây lãng phí thời gian, làm tăng chi phí xã hội và ô nhiễm môi trường, cũng như tai nạn giao thông. Như vậy, việc nâng cấp các tuyến đường này sẽ cải thiện tình trạng lưu thông, giảm áp lực giao thông tại cửa ngõ ra vào TPHCM, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm”.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc bởi lượng xe cộ lớn. Ảnh: Vneconomy.
Ngoài góp phần giảm ùn tắc, theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, việc mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành còn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển sau khi một số công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sự phát triển của khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải:
“Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những tuyến trọng điểm quốc gia được Chính phủ ưu tiên đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tỉnh Đông Nam bộ và liên kết với các cảng quốc tế quan trong như Cảng Cái Mép - Thị Vải. Việc phát triển cao tốc này sẽ hỗ trợ trực tiếp với sân bay quốc tế Long Thành - dự kiến trở thành trung tâm hàng không lớn nhất cả nước. Tuyến đóng vai trò đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Cũng như chúng ta hoàn thiện tuyến cao tốc này cần có sự quy hoạch đồng bộ giữa các địa phương trong việc sử dụng các tuyến cao tốc”.
Mặc dù đề xuất mở rộng cao tốc từ 4 lên 8 đến 10 làn xe đã được hai năm, dự kiến thực hiện từ năm 2024-2027; tuy nhiên do vướng cơ chế trả nợ (gốc, lãi) của dự án trước đó, mới được cấp vốn mới của Bộ Tài Chính nên vẫn chưa chốt được phương án về huy động nguồn vốn, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Liên quan đến vướng mắc về huy động vốn mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành ngày 3/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo nội dung này; trong đó lưu ý, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, việc tăng vốn điều lệ của VEC cần được tính đến nhiều phương án sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong tháng 12/2024 hoàn thành hồ sơ nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc./.
Liên quan đến nội dung này, VOVGT có bài bình luận với nhan đề: “Mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành: Chậm một ngày thêm lãng phí”.
Những năm qua, nút thắt “cổ chai” cầu Long Thành, Trạm thu phí Long Phước hay nút giao An Phú đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe khi lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đặc biệt là sau khi kết nối đồng bộ với hai tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết, lưu lượng trên tuyến càng bùng nổ. Thời điểm càng đến cuối năm, Tết đến, nỗi lo kẹt xe trên tuyến cao tốc ở khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố, càng là mối bận tâm của nhiều người.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ùn tắc giao thông lại đặt thêm một gánh nặng đối với đời sống kinh tế của người dân, bởi sự lãng phí về thời gian, chi phí xăng dầu, gây thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, chưa kể đến hệ lụy ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện.
Trong khi người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi từng ngày cao tốc được mở rộng để giải “nút nghẽn” ùn tắc thì Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài Chính mất hai năm để phân tích lý do “giành” nguồn tiền trong ngân sách, khiến dự án “đứng bánh” trong ngần ấy năm.
Sự nghịch lý này nằm ở cơ chế và chính sách cần được tháo gỡ. Nếu áp dụng phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có ý kiến lo ngại rằng, tuyến cao tốc này trước đây được giao VEC làm chủ đầu tư và khai thác, bảo trì và thu phí trả nợ của Nhà nước, nếu thay chủ thể mới sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa 2 doanh nghiệp.
Nhưng nếu để VEC tiếp tục đầu tư dự án mở rộng theo phương án đầu tư công thì nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã không còn. Nếu sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 phải chờ sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2025, như vậy sẽ không thể hoàn thành dự án kịp tiến độ khai thác sân bay quốc tế Long Thành.
Trên cơ sở đó, tại cuộc họp hồi tháng 5/2024 vừa qua, để cấp vốn cho cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cho phép khoanh nợ trái phiếu và hoàn tất thủ tục tăng vốn cho VEC để doanh nghiệp này sớm huy động được nguồn vốn đầu tư mà không phải đụng chạm lợi ích các bên.
Đề xuất của Bộ GTVT rất cần được cân nhắc, do tính cấp bách hiện nay của dự án phải sớm được đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành.
Rõ ràng nhất là đầu tháng 12 vừa qua, lần thứ năm Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và chốt chủ trương nâng cấp tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe, cho thấy sự cấp thiết về kết nối giao thông, đồng bộ hạ tầng trong bối cảnh mới, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Với “tối hậu thư”: “Sân bay chờ đường là lãng phí, phải có người chịu trách nhiệm!” của Thủ tướng Chính phủ - Kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” giúp khơi thông dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây về đích đúng hẹn với nhân dân.
Minh Thùy - Trúc Thủy/VOV-Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/cap-bach-mo-rong-thao-nut-co-chai-cao-toc-tphcm-long-thanh-dau-giay-post1143598.vov