Từ ngày 5/5/2025, Bộ Công thương là cơ quan duy nhất cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tập trung về Bộ Công thương
Từ ngày 5/5/2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không còn là tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX) theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Na Uy và Thụy Sỹ.
Bởi, cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 1103/QĐ-BCT (Quyết định 1103) thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX theo GSP của Na Uy và Thụy Sỹ mà bộ này đã ủy quyền cho VCCI vào năm 2018.
Thông tin rõ hơn về việc thu hồi Quyết định ủy quyền cho VCCI, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: “Quyết định 1103 được ban hành nhằm triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”.
Quyết định 1103 có hiệu lực từ ngày 21/4, nhưng sẽ có khoảng thời gian đến tuần đầu tháng 5/2025 mới chính thức thực hiện, để các đơn vị cùng phối hợp chuyển giao các phần việc này.
Theo đó, từ ngày 21/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025, VCCI và Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm hoàn thành thủ tục bàn giao hồ sơ, chứng từ và các nội dung liên quan về việc tổ chức thực hiện cấp các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX.
Có 18 phòng quản lý xuất nhập khẩu được Bộ Công thương giao nhiệm vụ cấp các loại C/O, CNM, REX. Các cơ quan này đảm bảo việc cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả, chính xác về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.
VCCI chấm dứt việc cấp toàn bộ các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX, các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực bắt đầu tiếp nhận nhiệm vụ từ VCCI.
Như vậy, việc cấp các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã về một đầu mối duy nhất là Bộ Công thương, nhằm tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. 18 phòng quản lý xuất nhập khẩu ngoài việc cấp 18 C/O ưu đãi tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ triển khai việc cấp 10 loại C/O không ưu đãi (bao gồm C/O mẫu B, C/O mẫu CNM…) và tiếp nhận mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sỹ.
Được biết, trong số 10 mẫu C/O tiếp nhận lại từ VCCI và đăng ký mã số REX, thì đến 94% là hồ sơ C/O mẫu B. C/O mẫu B dùng cho hàng hóa xuất khẩu sang tất cả các nước, được cấp theo quy định xuất xứ không ưu đãi.
Không để gián đoạn cấp C/O cho doanh nghiệp
Kiểm soát xuất xứ chặt chẽ, hiệu quả, sẽ góp phần củng cố niềm tin của đối tác quốc tế, đồng thời giúp Việt Nam tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại do nghi ngờ gian lận xuất xứ. Việc này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, ký kết 17 FTA với hơn 60 nền kinh tế, nhiều thị trường đang gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu, việc chuyển giao cấp C/O từ VCCI về Bộ không được gây gián đoạn, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo hướng dẫn, với doanh nghiệp vừa có hồ sơ thương nhân tại VCCI, vừa có hồ sơ thương nhân tại phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực thì không cần đăng ký. Đối với doanh nghiệp chưa có hồ sơ đăng ký thương nhân tại các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực thì cần đăng ký mới khi chuyển đơn vị cấp C/O không ưu đãi, CNM và mã số REX.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và cơ quan chính phủ. Với doanh nghiệp xuất khẩu, C/O được cấp là bằng chứng cho việc hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp tuân thủ quy định về xuất xứ trong các hợp đồng.
Còn với đơn vị nhập khẩu, C/O là căn cứ để xác định nguồn gốc của hàng hóa, đảm bảo rằng, hàng hóa đó được sản xuất từ quốc gia mà họ mong muốn. Điều này giúp doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi về thuế dựa trên các thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia. Nhờ đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu có C/O ưu đãi có thể được giảm hoặc miễn thuế tới 0%.
C/O cũng là bằng chứng cho việc doanh nghiệp nhập khẩu tuân thủ quy định của quốc gia. Ví dụ, trong thời kỳ Mỹ áp dụng lệnh cấm vận đối với một số quốc gia, C/O giúp doanh nghiệp nhập khẩu chứng minh hàng hóa của họ không có nguồn gốc từ những quốc gia này.
Bộ Công thương nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, các phòng cấp C/O phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O, đặc biệt đối với doanh nghiệp có lượng hồ sơ đề nghị cấp tăng đột biến.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần nhanh chóng cập nhật thông tin, điều chỉnh lại quy trình xin cấp C/O, mã số REX, đảm bảo việc tuân thủ quy định mới để không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với vấn đề minh bạch nguồn gốc hàng hóa.
Hải Yến