Anh N.V.N (42 tuổi, Bắc Ninh) vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau bữa liên hoan cuối năm. Người thân cho biết anh N. liên tục đi ăn tiệc suốt 4 ngày.
Sau bữa tối trước khi nhập viện, anh N. đau bụng dữ dội, chuyển sang sốt cao, mệt mỏi, nôn ói. Gia đình đưa anh vào bệnh viện gần nhà, bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp. Người bệnh được chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ cho hay anh N. bị viêm tụy cấp phải lọc máu cấp cứu. Người đàn ông kể: “Tôi tưởng mình đau bụng do ngộ độc thực phẩm hoặc rượu. Cơn đau bụng xuyên sang thành lưng, nôn ói khiến tôi cảm nhận mình không thể qua khỏi. Sau lần 'chết hụt' này, tôi bỏ rượu”.
Một trường hợp khác là người đàn ông 32 tuổi (Thái Bình) vào viện cấp cứu sau buổi liên hoan tất niên công ty. Trước đó, bệnh nhân đã ăn tiệc liên tục cả tuần. Khi anh vào viện, bác sĩ xét nghiệm triglycerid lên tới 19,13 mmol/l (chỉ số bình thường là 0-1,7 mmol/l).
Bệnh nhân làm chủ một quán bia hơi thường xuyên sử dụng bia rượu nhưng không kiểm tra sức khỏe. Khi vào viện, người này có chỉ số mỡ máu cao bất thường dẫn đến viêm tụy. Sau lọc máu, mỡ lắng đọng lại trong dịch thải của người bệnh.
Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp là bệnh phổ biến trong các dịp cuối năm. Bệnh liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống và thường gắn với tiệc tùng thịnh soạn, uống nhiều bia rượu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt cuối năm, tỷ lệ bệnh nhân vào cấp cứu tại đây chủ yếu do đột quỵ, viêm phổi, tắc nghẽn phổi mạn tính, đặc biệt là viêm tụy cấp.
Bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm A9. Ảnh: P.Thúy.
Cơ chế bệnh sinh của viêm tụy cấp chủ yếu do sự hoạt hóa các tiền enzym thành các enzym có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, gây hủy hoại nhu mô tụy, từ đó kéo theo một loạt các phản ứng viêm toàn thân dây chuyền khác.
Theo bác sĩ Đặng Kim Khuê, Khoa phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây viêm tụy cấp chủ yếu do ký sinh trùng nhưng đến nay phần nhiều do bia rượu. Các nguyên nhân khác như sỏi ống mật chủ, u tụy, chấn thương vùng tụy, tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.
Các triệu chứng viêm tụy cấp gồm đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn. Bệnh nhân có dấu hiệu đau kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên, buồn nôn, nôn. Chướng bụng và bí trung đại tiện nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp đi ngoài lỏng nhiều lần.
Khi thăm khám, bác sĩ có thể thấy, bệnh nhân có bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, trường hợp nặng co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu…
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp đến các biến chứng nặng, có thể xuất hiện suy các cơ quan khác, thậm chí gây tử vong. Bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái sốc và suy đa tạng. Các trường hợp có suy tạng tiên lượng nặng; phải điều trị tại các đơn vị điều trị tích cực.
Các trường hợp nặng có suy tạng phải được điều trị hồi sức tại các đơn vị hồi sức tích cực thậm chí phẫu thuật. Để phòng bệnh, người dân hạn chế đồ uống có cồn, ngừng uống rượu, bia. Những người bệnh tăng triglyceride cần điều trị giảm mỡ máu và kiểm soát chế độ ăn giảm mỡ.
Phương Thúy