Hơn 170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok. Hình ảnh: NYT
TikTok đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ sau khi thất bại trong việc lật ngược Luật mới
Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã từ chối yêu cầu ngăn chặn lệnh cấm TikTok, dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1/2025. Theo luật mới, nền tảng này phải được bán cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm tại Hoa Kỳ. Nếu không tuân thủ, các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ internet tại Mỹ có thể phải đối mặt với các khoản phạt lớn.
Theo thông tin từ The New York Times, các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng ByteDance, công ty mẹ của TikTok, có thể cung cấp dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Hệ quả là tương lai của TikTok tại Mỹ đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng và lệnh cấm có thể có hiệu lực sớm nhất vào giữa tháng 1 năm sau.
Tờ The Times cũng cảnh báo rằng luật cấm TikTok này sẽ trừng phạt các nhà cung cấp dịch vụ internet và các công ty cửa hàng ứng dụng như Apple và Google nếu họ phân phối hoặc cập nhật TikTok. Các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Apple và Google chuẩn bị xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ vào ngày 19/1/2025.
Hội đồng thẩm phán đã đồng thuận rằng đạo luật cấm TikTok tại Mỹ không vi phạm Hiến pháp. Phán quyết này cho thấy bốn năm TikTok nỗ lực để tránh lệnh cấm và từ chối việc bán công ty đã hoàn toàn rơi vào thế "tuyệt vọng". Mặc dù đại diện TikTok đã tuyên bố sẽ đưa vụ việc này lên Tòa án Tối cao nhưng khi thời hạn cấm càng ngày càng đến gần, TikTok phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý khó khăn
TikTok cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này lên Tòa án Tối cao và hy vọng tòa án sẽ ra phán quyết khác. Hình ảnh: Thời báo New York
Người phát ngôn của TikTok, Michael Hughes, cho biết: "Lệnh cấm TikTok đã được hình thành dựa trên thông tin không chính xác và giả định dẫn đến việc kiểm duyệt người dân Mỹ. Tòa án Tối cao có bề dày lịch sử trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy đối với vấn đề hiến pháp quan trọng này."
Trước đó, ByteDance đã tuyên bố sẽ không bán TikTok.
Điều gì sẽ xảy ra nếu lệnh cấm TikTok có hiệu lực?
Nếu luật liên bang cấm TikTok có hiệu lực, luật này sẽ yêu cầu các công ty như Apple và Google gỡ ứng dụng TikTok trên các cửa hàng ứng dụng của họ tại Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là người dùng Mỹ sẽ không thể tải xuống hoặc cập nhật ứng dụng TikTok. Hơn nữa, các nhà cung cấp dịch vụ internet như Oracle, nơi lưu trữ dữ liệu người dùng của TikTok, cũng sẽ bị cấm cung cấp các dịch vụ cần thiết để TikTok "phân phối, bảo trì hoặc cập nhật" ứng dụng, tạo ra khả năng đóng cửa TikTok tại Mỹ.
Trong hồ sơ gửi lên tòa án, TikTok cho rằng động thái này sẽ "đóng cửa hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ". Để tránh tình huống này, TikTok có thể tìm cách thoái vốn khỏi công ty mẹ là ByteDance. Nếu điều này diễn ra, TikTok có thể tiếp tục hoạt động, và Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng gia hạn thêm 90 ngày theo luật, trong trường hợp TikTok chứng minh được rằng họ đã bắt đầu quá trình thoái vốn.
Tuy nhiên, đến nay, TikTok vẫn từ chối thoái vốn và trong vụ kiện của mình, họ đã lập luận rằng việc thoái vốn là "không thể về mặt công nghệ, thương mại hoặc pháp lý".
Ai là người có thể cứu TikTok khỏi lệnh cấm ở Mỹ
Có vẻ như cho đến hiện tại, TikTok vẫn còn nuôi hy vọng rằng có thể tiếp tục hoạt động ở Hoa Kỳ với rất nhiều trông đợi và Tòa án Tối cao và Tổng thống tái đắc cử Donald Trump. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi cho ông Donald Trump, người từng ủng hộ ứng dụng này. Tuy nhiên, ông Trump không có bất cứ lộ trình rõ ràng nào để cứu nó trước khi luật mới có hiệu lực vào ngày lễ nhậm chức Tổng thống diễn ra. Và tính đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ cũng chưa đề xuất bất kỳ kế hoạch nào để làm như vậy.
Trước đó, từ hồi tháng 5/2024, tỷ phú doanh nhân và ông trùm bất động sản người Mỹ Frank McCourt đã công bố rằng ông đang thành lập một tập đoàn nhằm mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ. Động thái này nằm trong xu hướng ngày càng tăng của các nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng những luật mới của liên bang Mỹ, yêu cầu công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc phải bán nền tảng này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm.
Theo trang web của tổ chức, McCourt thành lập Dự án Liberty với mục tiêu "xây dựng một kiến trúc công dân kỹ thuật số mới cho một mạng internet an toàn và lành mạnh hơn".
Frank McCourt
Dự án Liberty đã hợp tác với Guggenheim Securities, công ty luật Kirkland & Ellis, các nhà công nghệ, học giả và các đối tác khác, nhằm đề xuất chuyển TikTok sang mô hình mã nguồn mở kỹ thuật số.
McCourt cho biết nếu việc bán được triển khai, ông sẽ tập trung vào việc cải cách TikTok bằng cách tái cấu trúc tổ chức, trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người dùng đối với danh tính và dữ liệu kỹ thuật số của họ. Điều này bao gồm việc chuyển đổi nền tảng sang giao thức mã nguồn mở để tăng cường tính minh bạch.
Ông chia sẻ trên trang web của Dự án: "Bằng cách quy tụ các học giả, nhà công nghệ, nhà khoa học hành vi, nhà tâm lý học và chuyên gia kinh tế hàng đầu cùng với các đối tác cộng đồng, phụ huynh và công dân, chúng tôi tin rằng mình có thể bảo tồn - và nâng cao - trải nghiệm TikTok bằng cách trao cho các cá nhân và nhà sáng tạo trên nền tảng giá trị và quyền kiểm soát xứng đáng liên quan đến việc ai có quyền truy cập vào dữ liệu của họ và cách dữ liệu đó được sử dụng".
Đề xuất này phù hợp với cam kết lâu dài của ông về việc cải cách internet thông qua các biện pháp bảo mật dữ liệu mạnh mẽ hơn, một mục tiêu mà ông đã theo đuổi thông qua Dự án Liberty trị giá 500 triệu đô la của mình. Dự án được thành lập nhằm xây dựng một khuôn khổ công dân kỹ thuật số mới cho một internet an toàn và lành mạnh hơn, phản ánh sự cống hiến của ông cho nỗ lực này.
Minh Phú