Cáp quang - Hệ vũ khí chiến lược dưới lòng biển

Cáp quang - Hệ vũ khí chiến lược dưới lòng biển
2 ngày trướcBài gốc
Cáp quang dưới lòng đại dương đang trở thành một vũ khí mới trong cạnh tranh nước lớn. (Nguồn: navegaro.com)
Tháng 7/1858, hai con tàu gặp nhau giữa Đại Tây Dương mang theo một sợi cáp biển đường kính 1,5 cm rồi được hàn với nhau tạo thành sợi cáp biển đầu tiên dài 4.000 km nối giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Sợi cáp này truyền đi bức điện tín đầu tiên từ Nữ hoàng Victoria của nước Anh tới Tổng thống Mỹ James Buchanan.
Mặc dù phải mất tới 17 giờ để bức điện tín được kết nối giữa hai nước thông qua mã Morse, nhưng nó đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử truyền tải thông tin của con người. Đến năm 1966, cáp quang bắt đầu xuất hiện và được các công ty viễn thông triển khai sử dụng vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, chỉ đến thập niên 90 của thế kỷ XX, Internet mới thực sự khiến công nghệ cáp quang bùng nổ.
Ưu thế vượt trội
Hiện nay, truyền dữ liệu qua cáp quang vẫn được ưa chuộng hơn qua vệ tinh vì có thể truyền tải nhanh tương đương tốc độ ánh sáng (99,7%) và độ tin cậy cao, khó bị can thiệp (như nghe trộm, đánh cắp tín hiệu… ), không cháy (do không có điện chạy qua cáp)… Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống cáp quang biển đòi hỏi chi phí cao, kết nối khó khăn do xuyên lục địa qua các đại dương, phải tìm kiếm khu vực đáy biển phù hợp... Ngoài ra, do đặc tính truyền dẫn ánh sáng, dây cáp cần được kéo thẳng, tránh bị gấp khúc hay gặp phải vật cản.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hiện có khoảng 600 tuyến cáp đã được quy hoạch hoặc đang hoạt động trên toàn thế giới với độ dài khoảng 1,2 triệu km. Đây thực sự là siêu xa lộ thông tin cung cấp các kết nối băng thông rộng đáp ứng sự gia tăng của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G và thực hiện từ những giao dịch tài chính trị giá khoảng 10 nghìn tỷ USD mỗi ngày cho đến các thông tin tình báo cơ mật.
Hệ thống cáp biển hiện nay chủ yếu do các công ty tư nhân xây dựng, sở hữu, vận hành và bảo trì. Vào năm 2021, khoảng 98% hệ thống cáp ngầm toàn cầu được sản xuất và lắp đặt bởi bốn công ty là SubCom của Mỹ; Alcatel Submarine Networks (ASN) của Pháp, Nippon Electric Company (NEC) của Nhật Bản (nắm giữ 87 % thị phần) và HMN Technologies (trước đây là Huawei Marine Networks Co., Ltd) của Trung Quốc (nắm giữ 11%). Trong khi đó, Amazon, Google, Meta và Microsoft hiện sở hữu hoặc cho thuê khoảng một nửa tổng băng thông của hệ thống cáp biển này.
Dễ bị tổn thương
Quan trọng là vậy, nhưng các hệ thống cáp quang dưới lòng đại dương lại rất dễ gặp sự cố bởi nhiều yếu tố. Trong số đó, hầu hết là bởi các va chạm từ thiết bị neo đậu của tàu thuyền bên cạnh yếu tố thời tiết khắc nghiệt, động đất và lở đất… Theo CSIS, mỗi năm trung bình có 100-150 vụ, chủ yếu là do tác động của thiết bị đánh cá hoặc mỏ neo các tàu thuyền. Tuy nhiên, cũng có các vụ được cho là do tác động trực tiếp “có kế hoạch” của con người.
Năm 2023, hai tuyến cáp ngầm cung cấp Internet cho Quần đảo Matsu của Đài Loan (Trung Quốc) đã gặp “sự cố”, khiến 14.000 cư dân nơi đây rơi vào tình trạng cô lập kỹ thuật số trong sáu tuần. Tương tự, tháng 10/2023, một tuyến cáp viễn thông dưới Biển Baltic nối Thụy Điển và Estonia đã bị hư hại cùng lúc với đường ống dẫn khí đốt và cáp của Phần Lan-Estonia. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cho biết, tuyến cáp hư hỏng là do “lực lượng bên ngoài” và quan chức Estonia cũng đưa ra kết luận tương tự.
Theo các công ty vận hành cáp biển, các tuyến ở Biển Đông và Biển Đỏ là hai điểm nghẽn đáng chú ý trong mạng lưới cáp ngầm quốc tế. Tại Biển Đỏ, một loạt cuộc tấn công của lực lượng Houthi hồi đầu năm nay đã làm hỏng các tuyến cáp chính kết nối châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. CNN dẫn lời Công ty viễn thông Global Communications của Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 25% lưu lượng truy cập giữa châu Á và châu Âu cũng như Trung Đông đã bị ảnh hưởng trong vụ tấn công được cho là của lực lượng Houthi ngày 4/3/2023.
Cạnh tranh chiến lược
Từ khi sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số được đưa ra vào năm 2015, Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà cung cấp và chủ sở hữu cáp ngầm hàng đầu thế giới. Theo báo cáo năm 2020 của Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), với mục tiêu chiếm 60% thị trường cáp quang toàn cầu, HMN Technologies đã nhắm vào các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Thái Bình Dương. Hiện HMN Technologies đã cung cấp tới 18% tổng chiều dài cáp ngầm so với 11% của năm 2021 và trở thành công ty phát triển nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia có đủ năng lực trong việc lắp đặt, vận hành và duy tu, bảo trì cáp quang biển khiến Mỹ tăng cường các biện pháp kiềm chế. Từ năm 2020 đến nay, nhiều tuyến cáp quang biển nối Mỹ với Hong Kong (Trung Quốc) đã bị Washington yêu cầu hủy bỏ hoặc thay đổi hướng đi với lý do an ninh quốc gia. Hiện nay, mạng lưới cáp quang Thái Bình Dương của Google và Metaverse chỉ có thể truyền dữ liệu từ Mỹ đến Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), còn đoạn kết nối tới Hong Kong (Trung Quốc) dài hàng trăm km hiện đang bị bỏ rơi dưới đáy biển. Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ nói với CNN cho biết, nếu tuyến cáp quang biển này được kéo đến Hong Kong, Trung Quốc sẽ dễ dàng xâm nhập để mô phỏng và thu thập số liệu và thông tin của Mỹ.
Trong khi đó, các công ty Mỹ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tháng 2/2023, SubCom đầu tư 600 triệu USD xây dựng tuyến cáp quang biển Singapore - Pháp dài hơn 19.000 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trước đó, vào đầu năm 2020, công ty Heiman của Trung Quốc đã trúng thầu sản xuất và đi dây của dự án này với mức giá 500 triệu USD và các công ty China Telecom, China Mobile, China Unicom cũng cam kết góp vốn. Tuy nhiên, dưới sức ép của chính phủ Mỹ, chủ đầu tư dự án phải chuyển hợp đồng cho SubCom của Mỹ. Trước đó, vào năm 2021, dưới tác động của Washington, dự án cáp quang biển Micronesia mà công ty HMN của Trung Quốc tham gia đấu thầu cũng bị gác lại. Công ty Mỹ và một số nhà môi giới Nhật Bản, Australia đã đầu tư 95 triệu USD để giúp Micronesia xây dựng dự án này.
Tháng 4/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký sắc lệnh số 13913, thành lập Ủy ban thẩm tra đầu tư nước ngoài về dịch vụ viễn thông (ECA) trực thuộc Bộ Tư pháp. Cơ quan này có quyền thẩm tra các đơn gửi FCC để bảo đảm mạng lưới viễn thông quốc gia tránh bị gián điệp mạng tấn công. Theo Sắc lệnh số 13913, ECA là cơ quan liên ngành với các thành viên đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa... Ban cố vấn của ECA gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính, Thương mại và Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA).
Chính phủ Mỹ đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của các nước như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm cách hạn chế các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực mạng viễn thông. Ngày 29/7, trong thời gian diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tại Tokyo, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết, trong bốn năm tới, Canberra sẽ đầu tư hơn 18 triệu AUD để thành lập Trung tâm kết nối và phục hồi cáp quang. Trung tâm này nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong triển khai các dự án cáp quang biển lớn, hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án cáp quang biển truyền tải thông tin và dữ liệu ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, phòng chống tấn công mạng và thu thập dữ liệu trái phép, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nước khác.
Trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng 2020, chính phủ Mỹ còn đề xuất thành lập các dự án an ninh cáp quang, thành lập đội tàu an ninh cáp quang do các tàu cáp quang của nước này hợp thành để thực hiện việc lắp đặt, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa cáp quang biển. Tháng 5/2023, Hải quân Mỹ thông báo đầu tư 5,1 tỷ USD để đóng tàu ngầm mang tên Jimmy Carter chạy bằng năng lượng hạt nhân dùng để bảo dưỡng hệ thống cáp quang dưới đáy biển. Điều này cho thấy những vùng biển sâu, nơi có cáp quang biển, sẽ trở thành đấu trường mới cho cuộc đọ sức nước lớn.
Hợp tác vì lợi ích chung
Một số cơ quan truyền thông Mỹ cho rằng, cáp quang biển là dịch vụ toàn cầu, đi qua các vùng biển quốc tế, vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Chính phủ Mỹ không thể can thiệp quá sâu bởi điều này khiến Washington khó có được sự ủng hộ của các quốc gia và tập đoàn công nghệ trong nước. Bên cạnh đó, sức ép của Mỹ trong lĩnh vực cáp quang biển cũng sẽ tác động ngược tới sự phát triển ngành viễn thông Mỹ và thế giới, làm giảm hiệu năng truyền tải dữ liệu, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Internet như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI...Trong một bài viết đăng trên tạp chí Tri thức thế giới (Trung Quốc) số 20/2024, TS. Trương Đạc còn cho rằng, Washington không thể ngăn chặn tất cả doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi mạng lưới viễn thông toàn cầu.
Khi tuyến cáp quang biển vượt Đại Tây Dương đầu tiên kết nối thành công giữa Anh và Mỹ ngày 16/8/1858, nhà văn Áo Stefan Zweig (1881-1942) đã viết trong cuốn Những khoảnh khắc quyết định của lịch sử rằng: “Hiện hai tuyến cáp này đã kết nối châu Âu cũ với thế giới mới là Mỹ thành một thế giới chung... Dù đã chiến thắng không gian và thời gian, nhưng mong rằng nhân loại sẽ mãi thân thiện và đoàn kết...”. Tuy nhiên, sau hơn 1,5 thế kỷ, cáp quang biển lại trở thành thứ vũ khí siêu lợi hại trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.
Nhất Phong (tổng hợp)
Nhất Phong
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cap-quang-he-vu-khi-chien-luoc-duoi-long-bien-298703.html