Cấp tỉnh chủ động đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, bố trí cán bộ

Cấp tỉnh chủ động đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, bố trí cán bộ
13 giờ trướcBài gốc
Địa phương chủ động đặt tên xã
Tỉnh Sóc Trăng là một trong 20 địa phương đã gửi đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã để Bộ Nội vụ thẩm định. Theo đó, 108 ĐVHC cấp xã của tỉnh Sóc Trăng sẽ được sắp xếp còn 43 đơn vị. Sau sắp xếp, dự kiến, Sóc Trăng sẽ có các phường Phú Lợi, Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Khánh Hòa, Ngã Năm, Mỹ Quới, Vĩnh Phước; các xã Hòa Tú, Gia Hòa, Nhu Gia, Ngọc Tố, Trường Khánh, Đại Ngãi, Tân Thạnh, Long Phú, Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, An Lạc Thôn, Kế Sách, Thới An Hội, Đại Hải, Phú Tâm, An Ninh, Thuận Hòa, Hồ Đắc Kiện, Mỹ Tú, Long Hưng, Mỹ Phước, Mỹ Hương, Vĩnh Hải, Lai Hòa, Tân Long, Phú Lộc, Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Thới An, Tài Văn, Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, Trần Đề, An Thạnh, Cù Lao Dung. Như vậy, trong số các ĐVHC cấp xã của tỉnh Sóc Trăng đã được dự kiến đặt tên, không có đơn vị nào “được đánh số thứ tự”.
Công chức xã Thanh Đức (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) phục vụ nhân dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Phó chánh văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Đức Thuận cho biết, trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại đề án về sắp xếp ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Theo đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14-4-2025 về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025. Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị quyết này đã quy định: “Khuyến khích đặt tên của ĐVHC cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin”. Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của ĐVHC cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, bảo đảm tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), các địa phương có thể dùng tên của một trong các ĐVHC cấp xã hiện nay, hoặc đặt tên theo danh nhân, hoặc theo tên ĐVHC thành phố, thị xã, huyện. “Việc gắn số hay không thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương. Bộ Nội vụ không đề xuất Chính phủ trình UBTVQH quy định cụ thể là theo phương án nào. Việc đặt tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp thuộc toàn quyền quyết định của địa phương, làm thế nào để bảo đảm hiệu quả nhất trong quản lý, bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân”, ông Phan Trung Tuấn nói.
Chủ động bố trí cán bộ, tự chịu trách nhiệm
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, trước mắt sẽ cơ bản giữ nguyên số lượng biên chế ở địa phương như hiện nay. Cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện cơ bản sẽ được chuyển về cấp xã sau sắp xếp. Việc giữ ổn định như vậy sẽ được thực hiện trong 5 năm. Sau đó sẽ ban hành quy định mới về định biên từng cấp tỉnh, cấp xã.
Cũng theo ông Phan Trung Tuấn, phương án nhân sự đã được nêu trong Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị, tinh thần là thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương, còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự cấp xã phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy định hiện hành. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bố trí giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên, thậm chí có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về làm bí thư xã, phường ở những địa bàn quan trọng.
Về tiêu chuẩn cán bộ công chức cấp xã, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, ban hành một bộ công cụ thống nhất áp dụng chung, trong đó có hệ thống tiêu chí chung về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, bao gồm cả cán bộ cấp xã. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức.
Dự kiến, ngày 15-5, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ông Phan Trung Tuấn cho hay, hiện nay, Bộ Nội vụ đang gấp rút thẩm định những hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Lãnh đạo Bộ Nội vụ và cán bộ, công chức các bộ phận liên quan dự kiến sẽ không có kỳ nghỉ lễ, tập trung toàn lực để kịp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Dự kiến, trước ngày 10-5, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trên cả nước. Ngày 15-5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cả nước để UBTVQH, Quốc hội xem xét quyết định.
Về số lượng ĐVHC cấp xã giảm sau sắp xếp, ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh, chưa có con số chính xác do Bộ Nội vụ chưa nhận đủ đề án của các địa phương và phải chờ UBTVQH quyết định theo thẩm quyền. Bước đầu tổng hợp thì số ĐVHC cấp xã trên cả nước sẽ giảm khoảng 67% so với hiện nay, còn lại khoảng 3.300 ĐVHC cấp xã.
Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các cơ quan đang khẩn trương thực hiện các bước theo quy trình để sửa đổi những nội dung liên quan trong Hiến pháp. Dự kiến, nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng 6-2025 và có hiệu lực từ ngày 1-7. Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu trình Quốc hội dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ chín, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động từ ngày 1-7.
CHIẾN THẮNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cap-tinh-chu-dong-dat-ten-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-bo-tri-can-bo-826276