Cấp xã gánh vác trọng trách giáo dục: Thách thức và cơ hội

Cấp xã gánh vác trọng trách giáo dục: Thách thức và cơ hội
9 giờ trướcBài gốc
Phường Trường Vinh (Nghệ An) họp phân công nhiệm vụ các bộ phận chuyên trách sau khi sáp nhập. Ảnh: PTV
Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi mảng giáo dục có nhiều nhiệm vụ cụ thể cần “cầm tay chỉ việc”.
Đón nhận trách nhiệm mới
Ngày 3/7, UBND phường Tân Lập (Đắk Lắk) đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý giáo dục, với sự tham dự của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học trên địa bàn. Đây là một trong những địa phương đầu tiên chủ động triển khai hội nghị nhằm rà soát tình hình, điều chỉnh phương thức quản lý sau thay đổi về mô hình hành chính.
Theo ông Trần Đức Nhật - Chủ tịch UBND phường Tân Lập, toàn phường hiện có 17 trường học từ mầm non đến THCS (12 trường công lập và 5 trường tư thục), với tổng số 546 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Một số vấn đề được nêu tại hội nghị liên quan đến việc rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bên cạnh đó, nhu cầu bổ sung giáo viên, nhân viên đang được cập nhật để kịp thời đề xuất bố trí phù hợp. UBND phường Tân Lập đã chủ động phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc trong lĩnh vực giáo dục. Các quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của học sinh, phụ huynh được thực hiện công khai, minh bạch và thuận tiện.
Ông Tống Ngọc Lâm - cán bộ phụ trách Giáo dục phường Tân An (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn phường hiện có 22 trường học, trong đó 3 trường thuộc sở GD&ĐT quản lý, 19 trường do UBND phường phụ trách.
“Số lượng trường không nhiều, nhưng công việc bao quát nhiều đầu mối, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, đơn vị. Do đó, việc sở GD&ĐT sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để cùng thống nhất phương thức phối hợp là cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục”, ông Lâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Khánh An (Cà Mau), xã mới “gánh vác” trách nhiệm mới, trong đó có việc phân cấp quản lý giáo dục từ cấp mầm non đến THCS; cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ; giải quyết việc chuyển trường, quản lý dạy thêm, học thêm… Địa phương này đã thành lập phòng Văn hóa - Xã hội gồm 9 người, phụ trách các vấn đề liên quan lĩnh vực văn hóa xã hội ở địa phương, trong đó có mảng giáo dục, tham mưu cho lãnh đạo xã trong công tác quản lý giáo dục.
Ngay sau sáp nhập, lãnh đạo xã đã làm việc với hiệu trưởng các điểm trường trên địa bàn triển khai các nội dung có liên quan chỉ đạo của UBND tỉnh về phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường để việc quản lý giáo dục tốt hơn.
Thời điểm này xã đã chỉ đạo cán bộ quản lý giáo dục phối hợp cùng nhà trường, phụ huynh và đoàn viên thanh niên tổ chức quản lý, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em dịp hè. Đồng thời rà soát lại cơ sở vật chất các điểm trường để có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, chuẩn bị tốt cho năm học mới.
Chủ tịch UBND phường Tân Lập (Đắk Lắk) trao đổi với lãnh đạo các trường học trên địa bàn. Ảnh: HG
Sắp xếp nhiệm vụ, phân cấp thẩm quyền rõ ràng
Bà Phan Kim Phía - Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thời (Cà Mau) cho hay, xã đã thống kê số lượng trường, nắm tình hình hoạt động, cơ sở vật chất các trường thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, cập nhật đầy đủ thông tin số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, các trung tâm dạy thêm, học thêm… trên địa bàn.
“Xã phân công cán bộ phụ trách trực tiếp lĩnh vực giáo dục. Phần lớn cán bộ phụ trách lĩnh vực này của xã không phải cán bộ phòng GD&ĐT đưa về trước đó, mà là cán bộ phụ trách lĩnh vực khác chuyển sang. Tuy nhiên, chúng tôi lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp và nhiệt tình trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao.
Việc thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ được phân cấp, có nhiệm vụ khá mới mẻ, đối với cán bộ phụ trách giáo dục cấp xã nói riêng, UBND xã nói chung, chắc chắn sẽ gặp bỡ ngỡ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, vừa làm vừa học hỏi để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ vì mục tiêu chung”, bà Phía cho biết.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thời cũng kiến nghị sở GD&ĐT tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực giáo dục ở các địa phương về quy trình, cách thức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp để triển khai tốt nhiệm vụ được giao.
Ở vùng cao Lai Châu, từ 106 đơn vị hành chính cấp xã giảm xuống còn 38 xã, phường sau sáp nhập. Toàn tỉnh hiện có 336 trường, gần 5.200 lớp với khoảng 150.000 học sinh. Tại xã Lê Lợi, sau khi sáp nhập, địa phương quản lý 10 trường học từ mầm non đến THCS. Với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, công tác quản lý giáo dục là thách thức đối với bộ máy chính quyền mới.
Thầy trò Trường Tiểu học Chăn Nưa (Lê Lợi, Lai Châu). Ảnh: Hà Thuận
Ông Nguyễn Văn Ninh - Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi cho biết: “Trước mắt, theo tinh thần chỉ đạo, UBND xã sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn xã, phường, đặc khu và chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý. Trong đó có kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Theo ông Nguyễn Văn Ninh, việc địa bàn quản lý rộng hơn sẽ đòi hỏi các phương án tổ chức chặt chẽ, kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng. “Với tinh thần chủ động, chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND, các phòng liên quan chủ động tiếp cận với văn bản chỉ đạo của ngành, địa phương trong việc phân quyền, phân cấp cho xã trong quản lý giáo dục để triển khai kịp thời, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết.
Sau sáp nhập, xã Khổng Lào (Lai Châu) có 9 trường với gần 6.000 học sinh, 7/9 trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030, 100% các trường trong xã đạt chuẩn. Ông Khổng Văn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào, cho rằng, việc giao quyền quản lý các cơ sở giáo dục cho xã được xem là bước tiến trong tăng quyền chủ động cho cơ sở, giảm tải cho sở GD&ĐT.
Tuy nhiên, điều này đặt ra nhiều thách thức về nhân lực, năng lực quản lý, hạ tầng công nghệ, và quy trình vận hành ở cấp xã, đặc biệt vùng sâu xa, khó khăn, nhất là trong việc đảm nhiệm các công việc như cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giải quyết chuyển trường, quản lý dạy thêm, học thêm.
“Chính quyền cơ sở, nhân dân, xã Khổng Lào đã sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn để đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng lớp học, nhà bán trú cho học sinh”, ông Khổng Văn Thiện bày tỏ.
Giờ dạy học tại Trường THCS Trà Lân, xã Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài
Chủ động phối hợp
Từ ngày 1/7, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, 130 phường, xã của tỉnh Nghệ An chính thức tiếp nhận quản lý trực tiếp hơn 1.300 trường mầm non, tiểu học và THCS. Sau sáp nhập, 2 phường có số lượng trường học trên địa bàn phải quản lý lớn nhất là phường Thành Vinh và phường Trường Vinh (thuộc thành phố Vinh cũ) với 26 trường học công lập, nhiều trường tư thục, ngoài công lập khác. Đây cũng là 2 phường có dân số đông nhất tỉnh Nghệ An.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo (nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũ), nay là Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Trường Vinh, Nghệ An. Với kinh nghiệm quản lý giáo dục nhiều năm và nghiên cứu các văn bản chỉ đạo mới, bà Thảo cho hay, nhiệm vụ chức năng của phòng GD&ĐT trước đã chuyển giao gần như toàn bộ về chính quyền cấp xã. Bao gồm việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, quy mô mạng lưới trường lớp, quản lý cơ sở vật chất, con người đến phân bổ, giao dự toán ngân sách đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc…
Tuy nhiên trước đây, phòng GD&ĐT là đơn vị “chuyên môn hóa”, bản thân các chuyên viên được chia mảng phụ trách rõ ràng. Trong khi ở cấp xã, phường thì giáo dục là một mảng của phòng văn hóa – xã hội, và cán bộ phụ trách kể cả là người của phòng GD&ĐT trước đây cũng đảm nhận thêm nhiều vai trò, nhiệm vụ mới.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo cho hay, hiện cán bộ phụ trách giáo dục các phường thuộc thành phố Vinh cũ đã có sáng kiến lập nhóm chung để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Mỗi người có thế mạnh chuyên môn riêng sẽ hỗ trợ, tăng cường cho nhau trong các đầu mối công việc như duyệt kế hoạch năm học, chương trình nhà trường; quản lý dạy thêm, học thêm; sinh hoạt chuyên môn; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Về lâu dài, chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mới, cần vai trò của sở GD&ĐT trong phối hợp, chỉ đạo chuyên môn dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như điều hòa, phân bổ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Ông Phan Trọng Trung, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cũ, nay giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Con Cuông (Nghệ An) cho biết, các hoạt động cấp xã đang vận hành và từng bước khớp nối nhiệm vụ mới. Hiện, xã Con Cuông có 12 trường từ mầm non đến THCS, 1 Trường THPT Con Cuông và Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú.
Theo ông Trung, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó UBND xã trực tiếp quản lý các trường học từ mầm non đến THCS sẽ thuận lợi, nhanh chóng khi triển khai các chủ trương, chính sách giáo dục trong thực tiễn cũng như tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Bên cạnh đó, cấp xã cần sự kết nối chặt chẽ với sở GD&ĐT khi quản lý giáo dục, nhất là về chuyên môn và đội ngũ giáo viên.
Trước khi bàn giao cho các phường, xã trực tiếp quản lý, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, về đội ngũ cán bộ quản lý nhà giáo, cấp xã có vai trò đề xuất nhu cầu, phối hợp với sở trong việc hướng dẫn thực hiện công tác sử dụng, quản lý, thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền.
Nhóm PV
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/cap-xa-ganh-vac-trong-trach-giao-duc-thach-thuc-va-co-hoi-post738482.html