Ngày 08/4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp.
Công văn 1581 có hướng dẫn cụ thể về phân cấp quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khi không còn cấp huyện trong thời gian tới.
Giảm bớt tầng nấc quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Hà Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 (quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng) cho biết: "Theo tôi, việc chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non là một chủ trương hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Tôi tin rằng các cấp lãnh đạo đã có cái nhìn dài hạn, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trong việc sắp xếp bộ máy để tránh chồng chéo chức năng trong quản lý.
Cấp xã là đơn vị hành chính gần dân hơn, nên có thể nắm bắt, sát sao tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc phân cấp này giúp rút ngắn quy trình quản lý, tạo điều kiện giải quyết hồ sơ, chế độ chính sách, hỗ trợ về sơ sở vật chất, nhân lực nhanh chóng và phù hợp hơn. Việc tinh giản cấp trung gian như quận, huyện cũng nằm trong chiến lược điều chỉnh bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, giúp giảm bớt tầng nấc quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần có sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý, đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở, tránh tình trạng phân cấp nhưng thiếu nguồn lực và trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Cô Trần Thị Hà Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 (quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, việc thay đổi trên chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động tổ chức và vận hành của nhà trường trong thời gian tới. Khi nhà trường được chuyển về cho cấp xã, phường quản lý, cần làm rõ phạm vi, trách nhiệm cụ thể, có hướng dẫn chi tiết để tránh chồng chéo giữa quản lý hành chính của địa phương và chỉ đạo chuyên môn từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cùng bàn về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do phòng Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân huyện quản lý. Trong thời gian tới, khi cấp huyện không còn, việc quản lý các cơ sở giáo dục này sẽ được chuyển giao về cấp xã, phường. Trước hết, điều này sẽ giúp việc điều tiết công việc trở nên thuận lợi hơn do cấp xã có sự gần gũi và trực tiếp hơn so với cấp huyện.
Khi chính quyền xã thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế của địa phương sẽ dễ dàng kết nối và phối hợp với các đơn vị trường học một cách nhanh chóng và linh hoạt. Nhờ đó, các hoạt động quản lý, chỉ đạo hay xử lý tình huống phát sinh có thể được thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, mối quan hệ giữa nhà trường và chính quyền địa phương cũng trở nên gắn bó và chặt chẽ hơn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục đồng bộ và sát thực tiễn”.
Ảnh minh họa: Ngọc Huyền.
Đồng quan điểm, cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cho rằng, việc chuyển giao quản lý giáo dục về cấp xã sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Cụ thể, chính quyền cấp xã là đơn vị nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương và quản lý trực tiếp học sinh trên địa bàn. Từ đó, có thể đưa ra những định hướng phù hợp hơn với đặc thù từng xã, thay vì thực hiện theo chỉ đạo từ cấp huyện hay tỉnh.
Về quản lý tài chính hay tổ chức hành chính, việc giao quyền cho cấp xã quản lý là hướng đi hợp lý, góp phần nâng cao tính chủ động và linh hoạt trong quản lý giáo dục ở cơ sở.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập, cần thiết lập cơ chế phối hợp rõ ràng các cơ sở giáo dục và chính quyền cấp xã để đảm bảo công tác quản lý giáo dục được thực hiện hiệu quả. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng chồng chéo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện các chính sách giáo dục.
Cần cơ chế rõ ràng, phù hợp với thực tiễn trong quản lý giáo dục
Theo cô Thanh, trong bối cảnh sáp nhập hành chính, một số cán bộ, viên chức tại các xã, phường và phòng, ban chuyên môn cấp quận, huyện cũng có băn khoăn trước sự thay đổi liên tục về tổ chức và phương thức quản lý, trong đó, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này.
Mặc dù, việc chuyển giao trách nhiệm quản lý về cấp xã mang lại nhiều thuận lợi, nhưng nhà trường vẫn còn một số băn khoăn trước những thay đổi trong cơ chế điều hành. Việc sáp nhập, điều chỉnh cơ cấu tổ chức có thể tạo ra trở ngại trong công tác chuyên môn, đặc biệt là khâu tiếp nhận chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tại cơ sở.
Tại các đơn vị trường học, câu hỏi đặt ra là cấp nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý chính khi chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách, còn các vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất lại thuộc thẩm quyền các phòng ban khác. Sự phân tán này có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, cồng kềnh trong quản lý nếu không có sự phân định rõ ràng. Vì vậy, để việc chuyển giao đạt hiệu quả, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù của từng cấp học.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) trong ngày sách và văn hóa đọc. Ảnh: website nhà trường.
Cô Thanh cho rằng, công tác quản lý trong ngành giáo dục cần được triển khai chặt chẽ, sát thực tiễn nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác hành chính và vận hành các cơ sở giáo dục.
Việc này đòi hỏi sự sát sao từ chính quyền địa phương, đơn vị nắm rõ tình hình dân cư, nhu cầu học tập cũng như điều kiện cơ sở vật chất trên địa bàn. Khi công tác quản lý gần dân hơn, quá trình xử lý thủ tục, bố trí nhân sự hay triển khai các chính sách giáo dục cũng sẽ linh hoạt và kịp thời hơn. Từ đó, môi trường giáo dục sẽ được củng cố vững chắc từ nền tảng cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Vị hiệu trưởng một trường tiểu học tại tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, nhà trường luôn chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong các tác dạy và học để không bị phụ thuộc hay bị ảnh hưởng quá nhiều khi có thay đổi. Vì vậy, việc chuyển giao về cấp xã quản lý, nhà trường không bị tác động gì nhiều. Không chỉ vậy, việc lược đi cấp trung gian trong quản lý còn có thể giúp quy trình được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, giảm bớt thủ tục rườm ra, đồng thời, giúp nhà trường dễ phối hợp hơn với cấp quản lý.
Mặc dù, việc chuyển giao về cấp xã quản lý mang lại nhiều thuận lợi, những vẫn còn một số điểm khiến nhà trường băn khoăn, đặc biệt về cơ chế phân bổ ngân sách.
Theo vị hiệu trưởng trường tiểu học, khi chuyển giao về cấp xã quản lý, đơn vị này trực tiếp cấp ngân sách và quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục. Những công việc tham mưu và chỉ đạo cũng nên được tiếp nhận trực tiếp, không qua nhiều khâu trung gian. Điều này sẽ giúp công việc được triển khai hiệu quả hơn, thông tin được cập nhật kịp thời và các hoạt động quản lý sát sao, thiết thực.
“Tôi mong rằng, sự thay đổi sắp tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cũng như trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ giáo viên. Nhà trường vẫn đang trong tâm thế chờ đợi và hy vọng rằng sự ổn định về cơ chế quản lý và nguồn lực sẽ giúp giáo dục phát triển tốt hơn", vị hiệu trưởng bày tỏ.
Còn theo cô Hường, về chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ đảm bảo tính thống nhất, bài bản và chuyên sâu trong chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra. Cấp xã có thể làm tốt công việc hành chính, quản lý con người, tài chính, còn phần chuyên môn, những hoạt động dạy học, chương trình kiểm tra, đánh giá nên được duy trì ở cấp cao hơn, nơi có chuyên môn và hệ thống giám sát rõ ràng.
Cô Hường cho rằng, việc thay đổi cơ chế quản lý trong thời gian tới sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định trong quá trình triển khai các hoạt động ban đầu. Vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ban, ngành. Khi đó, nhà trường mới có cơ sở để phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương cấp xã, đảm bảo hoạt động giáo dục diễn ra ổn định và đúng định hướng.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng đề xuất thêm, đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về chuyên môn, bao gồm thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và dạy học trong nhà trường, cần có cơ cấu tổ chức phù hợp, đủ năng lực chuyên môn để đảm nhiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo có thể thành lập các bộ phận chuyên trách, hoặc xây dựng những mô hình quản lý theo cụm trường, cụm địa bàn nhằm đảm bảo việc giám sát, hướng dẫn chuyên môn được thực hiện một cách sát sao và hiệu quả.
Việc chỉ để một cơ quan cấp tỉnh quản lý toàn bộ hoạt động chuyên môn giáo dục trên phạm vị rộng sẽ khó đảm bảo được tính kịp thời và thực tiễn trong công tác triển khai. Do đó, việc tổ chức lại theo hướng phân cấp hợp lý là điều cần được tính toán kỹ lưỡng.
Khánh Hòa