Khởi đầu đầy tham vọng từ giai đoạn 2009–2010, dự án Cát Bà Amatina từng được kỳ vọng trở thành quần thể du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế tại đảo Cát Bà (Hải Phòng). Chủ đầu tư – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) – khi đó thông báo đã bán được 95% số lượng biệt thự tại hai khu vực trọng điểm là Tùng Thu và Bazzar Avenue.
Tuy nhiên, sự phát triển dàn trải cùng việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiến dự án nhanh chóng lâm vào trạng thái đình trệ. Từ năm 2012, Vinaconex ITC liên tục ghi nhận thua lỗ hoặc chỉ đạt lợi nhuận rất thấp, chủ yếu do gánh nặng lãi vay và nghĩa vụ bảo lãnh đầu tư liên quan đến dự án này.
Một góc dự án Cát Bà Amatina. Ảnh: Vinaconex
Để giải quyết khó khăn tài chính, doanh nghiệp từng nhiều lần xin phép UBND TP. Hải Phòng gia hạn nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, đồng thời đề xuất được phép bán đất nền đã có hạ tầng kỹ thuật. Dù vậy, các biện pháp ứng cứu này không mang lại kết quả đáng kể, và dự án vẫn trong tình trạng “đóng băng”.
Ngày 2/3/2017, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi UBND huyện Cát Hải ban hành Thông báo số 54/TB-UBND, yêu cầu Vinaconex ITC tạm dừng triển khai dự án Cát Bà Amatina. Động thái này diễn ra trong bối cảnh một nhà đầu tư khác đề xuất nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể cho quần đảo Cát Bà theo hướng phát triển bền vững.
Không chấp nhận bị gạt khỏi cuộc chơi, Vinaconex ITC liên tiếp gửi văn bản tới lãnh đạo TP. Hải Phòng, cam kết khắc phục những tồn tại và nỗ lực lấy lại quyền tiếp tục triển khai dự án.Đến cuối năm 2020, sau nhiều năm “án binh bất động”, dự án Cát Bà Amatina được tái khởi động với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 10.941 tỷ đồng và dự kiến sẽ nâng lên mức 1 tỷ USD. Theo quy hoạch, dự án sẽ trở thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa quy mô lớn, tận dụng lợi thế độc đáo của đảo Cát Bà – nơi giao thoa giữa vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Cát Bà.
Khi hoàn thiện (dự kiến vào năm 2025), dự án sẽ bao gồm chuỗi resort cao cấp, biệt thự đảo, biệt thự mặt nước, khách sạn và condotel đạt chuẩn 5 sao, bến du thuyền, khu vui chơi giải trí đa dạng cùng các dịch vụ khám phá thiên nhiên.
Chưa đầy ba năm sau, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã: VCG) quyết định rút vốn khỏi dự án.
Tháng 10/2023, Hội đồng quản trị Vinaconex ITC đã thông qua nghị quyết thanh lý trước hạn hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty mẹ Vinaconex – ký từ tháng 6/2021 – liên quan đến phân khu CT02 và hạ tầng kết nối. Theo đó, Vinaconex ITC sẽ tiếp nhận lại tài sản đã thế chấp và đồng thời có trách nhiệm hoàn trả cho Vinaconex số tiền 2.200 tỷ đồng trong vòng 90 ngày kể từ 30/9/2023. Phía Vinaconex sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng để giải chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của Vinaconex ITC.
Thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi Cát Bà Amatina đã được Vinaconex đề cập từ Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2023. Tại cuộc họp này, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Vinaconex kiêm Chủ tịch Vinaconex ITC – không còn thể hiện sự lạc quan về khả năng mang lại lợi nhuận 1.000 tỷ đồng/năm như những phát biểu vào năm 2019. Thay vào đó, ông thừa nhận thị trường đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn.
Đến ngày 23/1/2024, ông Đào Ngọc Thanh gửi đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC vì lý do cá nhân, đánh dấu một bước ngoặt khác cho hành trình vốn đã nhiều biến động của dự án.
Mới đây nhất, ngày 30/6/2025, Vinaconex chính thức phê duyệt chủ trương thoái toàn bộ phần vốn góp tại Vinaconex ITC. Theo quyết định của HĐQT, doanh nghiệp sẽ chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phần – tương đương 51% vốn điều lệ của Vinaconex ITC – với mức giá chào bán tối thiểu 48.000 đồng/cổ phần. Nếu thương vụ chuyển nhượng diễn ra thành công, Vinaconex dự kiến thu về ít nhất 5.140,8 tỷ đồng.
Hình thức thoái vốn được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư quan tâm. Trước đó, tại phiên họp đại hội cổ đông, lãnh đạo Vinaconex cũng xác nhận đã có những cuộc đàm phán sơ bộ để chuyển nhượng dự án Cát Bà Amatina, nhưng chưa đạt được thỏa thuận cụ thể. Doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ hoàn tất quá trình bán dự án trong năm 2025.
Cũng tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, lãnh đạo Vinaconex-ITC cho biết dự án Cát Bà Amatina đã hoàn thành cơ bản hạ tầng dự án. Trong đó, khối lượng thực hiện tại năm 2024 là khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2025. Công ty này đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 hơn 1.793 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 568 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính tổng hợp quý I/2025 cho thấy Vinaconex-ITC không ghi nhận doanh thu, lỗ sau thuế là lỗ 5,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ sau thuế là gần 4,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân nguyên nhân lỗ là công ty đang trong giai đoạn đầu tư, chỉ ghi nhận chi phí hoạt động và không có doanh thu.
Tính đến ngày 31/1/2025, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế ở mức âm 545,3 tỷ đồng, tăng so với hồi đầu năm.
Dù vậy, Vinaconex ITC vẫn đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2025, với mục tiêu đạt doanh thu 1.793,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lên tới 568,59 tỷ đồng.
An Vũ