Cắt giảm thủ tục kinh doanh thực phẩm chức năng

Cắt giảm thủ tục kinh doanh thực phẩm chức năng
2 ngày trướcBài gốc
Các doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm chức năng mong muốn cải cách nhiều thủ tục để kinh doanh thuận lợi
Cải cách thủ tục công bố sản phẩm
Vinamilk - thương hiệu sữa lớn nhất tại Việt Nam, đã chỉ ra một trong những vấn đề lớn trong quy định về kiểm nghiệm sản phẩm. Theo đại diện Vinamilk, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu sản phẩm, do mỗi đơn vị kiểm nghiệm sử dụng phương pháp nội bộ khác nhau. Thêm vào đó, các phương pháp kiểm nghiệm thay đổi liên tục, gây khó khăn trong việc duy trì sự ổn định và tuân thủ quy định. Do đó, Vinamilk đề xuất Bộ Y tế nên cung cấp một danh sách các chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm chỉ định, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ mà không phải lo ngại về sự thay đổi liên tục của các phương pháp kiểm nghiệm.
Cùng quan điểm, Công ty Dược Hậu Giang cũng đưa ra kiến nghị giảm bớt yêu cầu về phiếu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Theo doanh nghiệp này, việc yêu cầu phiếu kiểm nghiệm phải được cấp bởi các phòng kiểm nghiệm đạt ISO 17025 là một quy định không hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Dược Hậu Giang đề xuất có thể bổ sung các cơ sở đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định về việc thuyết minh thành phần trong các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm giúp kiểm soát chặt chẽ hơn về tính năng, công dụng của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng pha trộn quá nhiều chất hóa học hoặc dược liệu không cần thiết vào sản phẩm mà không giải thích được lý do.
Tương tự, Traphaco - công ty dược phẩm lớn tại Việt Nam, phàn nàn về các thủ tục công bố sản phẩm đang tạo ra sự phức tạp không cần thiết. Công ty này đề xuất miễn trừ thủ tục tự công bố đối với các sản phẩm chỉ phục vụ cho xuất khẩu hoặc sử dụng nội bộ mà không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tạo sự thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng bày tỏ quan ngại về quy định liên quan đến “thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra thị trường”. Theo VASEP, nếu quy định này được áp dụng quá nghiêm ngặt, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tự nhiên hoặc sản phẩm đã có mặt tại nhiều quốc gia có thể sẽ bị coi là “mới”, gây khó khăn trong việc lưu hành.
VASEP kiến nghị sửa đổi khái niệm này, chỉ áp dụng đối với những sản phẩm có thành phần hoặc công dụng mới, chưa từng được sử dụng làm thực phẩm chức năng tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm tự nhiên dễ dàng được lưu thông.
Các doanh nghiệp như Vinafosa, CPC1 Hà Nội đều cho rằng, việc không cho phép công bố các khuyến cáo về sức khỏe theo nội dung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, dù có đủ chứng cứ khoa học, là một sự hạn chế không cần thiết và không phù hợp với xu hướng quốc tế. Các tổ chức này đề xuất duy trì quy định hiện hành, cho phép thực phẩm bổ sung công bố công dụng và khuyến cáo sức khỏe nếu có chứng cứ khoa học rõ ràng.
Bên cạnh đó, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập là sự chưa rõ ràng trong khái niệm “thực phẩm bổ sung” trong Nghị định hiện hành. Theo đó, định nghĩa “thực phẩm bổ sung” trong các văn bản hiện tại còn thiếu sự minh bạch, dẫn đến những khác biệt trong việc áp dụng quy định. Để đảm bảo việc áp dụng chính xác và thống nhất, các doanh nghiệp đề nghị làm rõ khái niệm “thực phẩm thông thường” để phân biệt rõ giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm thông thường, tránh tình trạng nhầm lẫn khi đăng ký sản phẩm.
Cởi trói về hành chính
Một trong những vấn đề nổi bật trong các kiến nghị cải cách thủ tục hành chính là quy định yêu cầu doanh nghiệp phải dịch và công chứng các tài liệu pháp lý như Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), Giấy chứng nhận xuất khẩu (EC), Giấy chứng nhận y tế (HC), hoặc Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) sau khi hợp pháp hóa lãnh sự. Việc này tạo ra không ít khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra dự thảo sửa đổi, kiến nghị thay đổi quy định, chỉ yêu cầu dịch công chứng khi sử dụng ngôn ngữ khác không phải tiếng Anh. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, một đề xuất đáng chú ý là cho phép sử dụng bản điện tử của các giấy tờ pháp lý đã hợp pháp hóa lãnh sự. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp giảm thiểu chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Bộ Y tế cũng đề xuất một số sửa đổi nhằm đơn giản hóa thủ tục kiểm nghiệm. Các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt tiêu chuẩn GMP sẽ được phép sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm, thay vì phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận. Điều này giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý trong cải cách hành chính là việc xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý an toàn thực phẩm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, giúp cơ quan quản lý thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và hiệu quả, giảm thiểu tình trạng hồ sơ tồn đọng và tăng cường tính minh bạch trong quản lý.
Tăng cường công tác hậu kiểm là biện pháp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giúp ngăn ngừa tình trạng thực phẩm giả mạo hoặc thiếu trung thực về thành phần, công dụng. Trong đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đứng tên trong hồ sơ công bố sản phẩm. Chỉ những cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm mới được phép đứng tên. Điều này giúp tránh tình trạng thiếu minh bạch và làm giả hồ sơ công bố.
Dương Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/cat-giam-thu-tuc-kinh-doanh-thuc-pham-chuc-nang-d259670.html