Các công đoàn đại diện cho viên chức ngoại giao và nhân viên liên bang tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, để ngăn chặn các nỗ lực giải thể cơ quan này, cũng như việc chính quyền đóng băng viện trợ nước ngoài.
"Những động thái đột ngột dừng công việc quan trọng của các nhân viên, bên nhận tài trợ và nhà thầu của USAID, đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu, khiến hàng nghìn người Mỹ mất việc làm, gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ", theo đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang Washington D.C. tối 6/2.
Các công đoàn của USAID đang kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để dừng các khoản cắt giảm "vi hiến và bất hợp pháp". (Ảnh minh họa)
Đơn kiện lập luận rằng chỉ có Quốc hội Mỹ mới có thể giải thể cơ quan này và gọi các hành động của chính quyền ông Trump là "vi hiến và bất hợp pháp". Hàng trăm người tụ tập gần Điện Capitol phản đối việc giải thể USAID, cơ quan quốc tế được giao nhiệm vụ phân phối viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới thay mặt cho Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhân viên cấp cao USAID nộp danh sách khoảng 600 người có công việc thiết yếu và không thể bị gián đoạn cho ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio chấp thuận chưa đến 300 người, như vậy có thể khiến phần lớn trong số hơn 13.000 nhân viên phải nghỉ hành chính từ nửa đêm 7/2 (giờ địa phương).
"Thế này thà đóng cửa tất cả còn hơn. 290 người sẽ không thể làm được gì cả", một viên chức USAID giấu tên nói với NPR.
Tại Văn phòng Trung Đông, ở cả Washington D.C. và nước ngoài của USAID, chỉ còn 21 nhân viên làm việc tích cực tính đến cuối ngày 6/2. Văn phòng Châu Phi sẽ giữ lại 12 người, 4 người ở Washington và 8 người ở các trung tâm khu vực khác nhau.
Văn phòng Y tế toàn cầu của USAID, hiện có 147 nhân viên và có các ưu tiên chiến lược là ngăn ngừa tử vong ở trẻ em và bà mẹ, kiểm soát dịch HIV/AIDS và ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sẽ giảm xuống còn 77 người.
Hôm 6/2, ông Rubio bảo vệ hành động của chính quyền Tổng thống Trump và nhắc lại rằng nhân viên ở nước ngoài có nhiều lựa chọn, bao gồm gia hạn thời gian quá 30 ngày để trở về Mỹ.
"Chúng tôi không cố ý gây gián đoạn cuộc sống cá nhân của mọi người. Chúng tôi không trừng phạt ai ở đây. Nhưng đây là cách duy nhất chúng tôi có thể nhận được sự hợp tác từ USAID.
"Khi chúng tôi cố gắng thực hiện từ trên xuống dưới bằng cách đề nghị sự hợp tác từ văn phòng trung tâm và USAID, chúng tôi thấy mọi người cố gắng sử dụng hệ thống lén lút thanh toán và đẩy các khoản thanh toán bất chấp lệnh dừng. Chúng tôi thấy những người không hợp tác trong việc cung cấp thông tin và quyền truy cập cho chúng tôi".
Phương Anh (Tổng hợp )