'Cắt giảm' vẫn là từ khóa của năm 2024

'Cắt giảm' vẫn là từ khóa của năm 2024
7 giờ trướcBài gốc
Nhân sự các ngành nghề đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm trong năm qua. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Trong Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024 - 2025, Top CV chỉ ra “cắt giảm” vẫn là từ khóa đáng chú ý trong năm nay. Theo đó, tỷ lệ cắt giảm cao phản ánh xu hướng điều chỉnh nhân sự do các doanh nghiệp tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn năm 2023-2024.
Điều này cũng cho thấy tác động của các yếu tố kinh tế toàn cầu và sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty, đặc biệt là công ty công nghệ.
Mặc dù giữ nguyên quy mô và tối ưu hiệu suất vẫn là chiến lược được phần lớn doanh nghiệp tiếp tục áp dụng trong giai đoạn 2024-2025, một số ngành nghề như Kinh doanh - Bán hàng vẫn tích cực tuyển mới vào năm sau.
Ngành IT cắt giảm lớn
Từ phía doanh nghiệp, những tác động địa chính trị và xã hội đang buộc các công ty phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động, từ cải tiến sản phẩm đến cắt giảm chi phí hoặc nhân sự. Sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời được coi như yếu tố then chốt, giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh.
Tổng số lao động chủ động nghỉ việc và thuộc diện cắt giảm của nhóm Non-IT (nhân sự không làm trong lĩnh vực IT - Phần mềm) ở mức 53,3%. Số liệu đối với nhóm IT là 51,34%.
Đáng chú ý, tỷ lệ cắt giảm của nhóm IT lên tới 24,14%, cao hơn 7,6% so với các ngành nghề khác. Con số này cho thấy thực trạng đầy thách thức của thị trường việc làm IT - Phần mềm, dù đây được xem là một trong những nhóm ngành có sự tăng trưởng nóng trong 3 năm gần đây.
Tình trạng cắt giảm diễn ra trong nhiều lĩnh vực, bao gồm IT, bất chấp sự phát triển nóng của ngành nghề này. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Nhóm ngành giữ vững tính ổn định hàng đầu là R&D (Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm), Nhân sự và Giáo dục.
Tính ổn định trong công việc ở nhóm ngành R&D được thúc đẩy bởi nhu cầu không ngừng đổi mới và cải tiến sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp có xu hướng duy trì lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn và phát triển bền vững trong dài hạn.
Các ngành nghề dẫn đầu xu hướng chuyển đổi công việc bao gồm Y tế, Marketing và Kinh doanh. 43,75% nhân sự ngành Y tế và Chăm sóc sức khỏe chủ động “nhảy” việc, do đây là lĩnh vực có cường độ công việc cao, với nhiều nhân viên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và mệt mỏi (Burnout).
Trong khi đó, 42,64% người lao động trong ngành Marketing/Truyền thông/Quảng cáo cũng chuyển đổi công việc. Đây là ngành có sự phân nhánh đa dạng, đều yêu cầu khả năng sáng tạo, sự nhạy bén với xu hướng mới, phần nào tạo ra áp lực với nhân sự.
Bên cạnh đó, xu hướng làm việc tự do (freelance) đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các thế hệ lao động như Millennials và Gen Z, góp phần gia tăng tình trạng chủ động chuyển đổi công việc trong nhóm ngành này sang các phương thức làm việc linh hoạt hơn, ưu tiên cân bằng cuộc sống.
Tỷ lệ “nhảy” việc của ngành Kinh doanh/Bán hàng cũng tương đối cao, ở mức 41,38%. Đây là lĩnh vực có sự biến động lớn, với yêu cầu về khả năng đáp ứng các chỉ tiêu doanh số và chịu áp lực lớn.
Ưu tiên giữ nguyên quy mô và tuyển mới trong năm tới
Theo báo cáo, 52,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn chiến lược giữ nguyên quy mô và tối ưu hiệu suất. 38,9% đại diện doanh nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực Sản xuất và IT - Phần mềm, có kế hoạch tiếp tục mở rộng kinh doanh trong năm 2025.
Chỉ 8,4% công ty chọn thu hẹp kinh doanh và tinh gọn quy mô. Trong đó, 1,66% đến từ Bán lẻ - Hàng tiêu dùng - FMCG, lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng tương đối khó khăn.
Kinh doanh - Bán hàng được xem là lĩnh vực "khát" nhân sự hàng đầu. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Kinh doanh - Bán hàng được đánh giá là ngành nghề “khát” nhân lực hàng đầu. Các đại diện khảo sát giải thích, trong giai đoạn 2024-2025, việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tăng trưởng thị trường là điều cần thiết (65,2%).
Để hoàn thành mục tiêu này, 47,6% doanh nghiệp lựa chọn Kinh doanh/Bán hàng là bộ phận ưu tiên tuyển dụng, đặc biệt là nhóm nhân viên từ 2-3 năm kinh nghiệm.
Tiếp sau đó là nhóm IT - Phần mềm với nhu cầu tuyển dụng chủ yếu rơi vào nhóm ứng viên có ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm và các chuyên viên từ 3-5 năm (12,2%).
Theo sau là các nhóm ngành khác như Marketing/Truyền thông/Quảng cáo (9,3%), Dịch vụ chăm sóc khách hàng (5,1%) và Nhân sự (4%).
Mặc dù là ưu tiên hàng đầu trong nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhóm Kinh doanh/Bán hàng cũng là lựa chọn đầu tiên đối với kế hoạch tối ưu hóa nhân sự. Đặc biệt, nhóm nhân viên có kinh nghiệm dưới 1 năm (35,5%) và từ 1-2 năm (21,9%) thường được cân nhắc cắt giảm đầu tiên.
Linh Vũ
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cat-giam-van-la-tu-khoa-cua-nam-2024-post1518720.html