LỜI TÒA SOẠN:
Xuân Ất Tỵ là thời khắc đánh dấu sự chuyển mình của đất nước, sự khởi đầu của năm mới với niềm tin, sự tự hào chưa bao giờ vị thế, uy tín và cơ đồ của dân tộc, của Đảng, của đất nước ta có được như ngày hôm nay trên trường quốc tế.
Năm mới 2025 với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, khởi đầu là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).
95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025); và bây giờ, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thời điểm bắt đầu là sự kiện trọng đại, Đại hội 14 của Đảng.
VietNamNet xin chia sẻ một số bài viết, ý kiến, góc nhìn nhân sự kiện lịch sử trọng đại 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử xây dựng Đảng trong 95 năm qua, cách chọn người, dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.
Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công
Người nói rất cụ thể, rất thiết thực: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.
Trong cách dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện rõ quan điểm nhân văn khi chỉ ra rằng: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”.
Nếu “không biết tùy tài mà dùng người”, chẳng khác gì “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. Ảnh: Tư liệu
Bác khẳng định: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ những ưu điểm của họ”.
Không dừng ở lời kêu gọi mà trong ứng xử của mình hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khéo léo, trân trọng mọi người có tài có đức. Cho nên, đứng dưới ngọn cờ đoàn kết của Bác có ba lực lượng.
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên sẵn sàng theo Bác, theo Đảng từ những ngày còn hoạt động bí mật.
Thứ hai, nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ, nghe và tin theo “cụ Hồ”, từ bỏ giai cấp bóc lột của mình để trở thành công bộc của nhân dân.
Thứ ba, những lực lượng từng là kẻ thù của nhân dân, nhưng khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh, chứng kiến bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ xã hội mới - chế độ dân chủ nhân dân do Hồ Chí Minh xây dựng lên, thì rất nhiều người đã từ bỏ hàng ngũ của địch, trở về đứng dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh.
Đơn cử như trong kháng chiến chống Pháp, có khoảng 1.300 lính lê dương đào ngũ, chạy sang hàng ngũ Việt Minh và tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều người sau đó trở thành cán bộ của Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi họ là “những người Việt Nam mới”.
Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức. Lời của Luật sư Phan Anh trả lời phỏng vấn nhà sử học Na Uy Tonnesson
Thu hút, kêu gọi được nhân tài đứng ra giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khéo xếp người vào công việc phù hợp; khuyến khích mọi tài năng, sắp xếp đúng vị trí. Vì thế, hầu như không có cán bộ nào dưới thời Hồ Chí Minh không phát huy năng lực.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương trọng dụng những nhân sĩ, trí thức của chính chế độ trước như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe…; những quan chức thuộc nội các chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn...; những trí thức ở Pháp về như Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh; ở Nhật về như Lương Định Của hay ở Liên Xô về như Nguyễn Khánh Toàn...
Và, những tên tuổi lớn khác chẳng hạn, trong ngành y tế: Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ...; trong ngành giáo dục: Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân; trong hoạt động khoa học: Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân; trong hoạt động luật pháp: Hồ Đắc Điềm, Vũ Trọng Khánh; trong hoạt động xã hội: giám mục Lê Hữu Từ, nhà tư sản Ngô Tử Hạ, linh mục Phạm Bá Trực…
Trong nhiều năm ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, không một trường hợp nào tôi thấy Bác bực tức ra mặt, làm tổn thương dù một thoáng qua người đồng chí của mình. Đây là điểm đến bây giờ hồi tưởng lại tất cả, tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Có lần, một lỗi lầm của Thủ tướng có ảnh hưởng không hay đến một việc mà Bác dự định làm. Mặc dù vậy, Bác chỉ nói vẻn vẹn có một câu với ông: “Chú làm hỏng việc”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại
Tên tuổi của các nhân sĩ, trí thức đó cùng với những công lao mà họ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam là những minh chứng thuyết phục cho sức cảm hóa, cho tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Bác cũng kiên quyết xử lý. Việc Bác kiên quyết bác đơn xin ân xá tử hình của Trần Dụ Châu nói lên sự nghiêm khắc của Bác đối với vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, xâm phạm tài sản Nhà nước và tiêu chuẩn của chiến sĩ.
Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Đó là lời Bác nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn tư cách người đảng viên. Mỗi một việc làm, hành động nhắc nhở chúng ta soi rọi, đối chiếu với lời dạy của Người xem đúng sai, phải trái, cái gì được và chưa được để khắc phục sửa chữa.
Liều thuốc đủ mạnh trị cán bộ yếu kém
Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng quý báu và vẫn còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ hiện nay, nhất là trong năm 2025 diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc (ngày 1/12/2024) tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Quốc hội
Đặc biệt Tổng Bí thư đã lưu ý: "Không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém”.
Như vậy có thể thấy, Tổng Bí thư đã đặt ra vấn đề phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc yếu kém, để bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Một trong những “liều thuốc đủ mạnh” để trị tình trạng cán bộ yếu kém chính là làm tốt công tác cán bộ.
Vì vậy, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, "vì việc tìm người" trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Đồng thời có cơ chế hữu hiệu sàng lọc đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với ý thức trách nhiệm nêu gương của mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi, rèn luyện để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia)
Ths Vũ Thị Kim Yến