Cắt trà sữa, mang cơm đi làm – Gen Z sống tối giản... bất đắc dĩ

Cắt trà sữa, mang cơm đi làm – Gen Z sống tối giản... bất đắc dĩ
3 giờ trướcBài gốc
Với Hoa Lê, những buổi cà phê như thế này giờ chỉ diễn ra khoảng tháng một lần để tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: NVCC
Cắt trà sữa, mang cơm đi làm
Hồi còn là sinh viên, Hoa Lê (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) uống trà sữa ba lần một tuần như một điều hiển nhiên. “Khi đó ly trà sữa size M chỉ 20.000, mua xong vẫn còn dư tiền ăn trưa. Giờ một ly giống hệt đã lên 55.000, thêm topping là hơn 60.000. Uống xong chỉ thấy… tội cái ví”, cô cười.
Từ đầu năm nay, Hoa chuyển hẳn sang nước lọc hoặc cà phê pha sẵn mang từ nhà đi làm. Một phần để tiết kiệm, phần khác vì “uống xong ly trà sữa thì cuối tháng có thể thiếu tiền đổ xăng”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chuyện ăn trưa công sở. Thu Hằng (29 tuổi, làm content tại TP. HCM) từng quen với việc order đồ ăn mỗi ngày, chi phí khoảng 50.000–70.000 đồng/bữa.
“Việc tự chuẩn bị cơm hộp giúp tôi kiểm soát ngân sách ăn uống. Hơn nữa, việc đó còn giúp tôi kiểm soát nguyên liệu và cách chế biến, hạn chế rủi ro vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù phải dậy sớm hơn 30 phút, nhưng tính ra tiết kiệm được hơn 1 triệu mỗi tháng”, chị nói.
Ban đầu Hằng ngại mang hộp cơm vì văn phòng không có chỗ hâm nóng. Nhưng dần dần, chị chấp nhận ăn nguội, đổi lấy cảm giác yên tâm khi nhìn vào tài khoản ngân hàng cuối tháng.
Thực tế, không chỉ trà sữa hay bữa trưa công sở, giới trẻ đang âm thầm “tối giản” nhiều khoản chi tiêu khác: giảm mua quần áo, dừng làm nail/skincare cao cấp, hạn chế xem phim rạp, đi du lịch ít hơn.
Khác với lối sống tối giản mang tính thẩm mỹ thường thấy trên mạng, đây là tối giản để… tồn tại qua tháng.
“Không phải em hết thích những thứ đó. Chỉ là giờ phải cân nhắc trước khi bước ra quán hay bấm nút đặt hàng”, Hoa Lê chia sẻ.
Việc tự tay chuẩn bị đồ ăn mang đi làm mỗi ngày giúp Thu Hằng tiết kiệm được một khoản chi phí mỗi tháng
Thành phố lớn, giấc mơ bé lại
Với nhiều người trẻ, những thay đổi nhỏ là cách duy nhất để giữ lấy cảm giác còn kiểm soát được cuộc sống – dù là ở mức tối thiểu nhất.
Theo báo cáo thị trường lao động Việt Nam quý I/2025 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động từ 20–30 tuổi là 7,8 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt cơ bản tại TP.HCM hoặc Hà Nội ước tính từ 8–10 triệu đồng/tháng đối với người đi thuê nhà (gồm tiền nhà, ăn uống, điện nước, đi lại, chi phí phát sinh).
Điều này khiến nhiều người lao động trẻ không chỉ khó khăn trong việc tiết kiệm, mà còn phải cố gắng để đủ chi trả các khoản phí cơ bản.
Với mức thu nhập như vậy, không ít người trẻ phải chật vật xoay xở để trang trải các khoản phí tối thiểu, chưa nói đến việc tiết kiệm.
Ước mơ sở hữu nhà riêng với họ vẫn còn quá xa vời, nhiều người thậm chí không dám nghĩ đến, mà chỉ mong có thể sống tạm ổn hôm nay mà không quá lo lắng về ngày mai.
Trong hoàn cảnh đó, sống tối giản không chỉ là giải pháp đối phó với khó khăn, mà còn trở thành cách để người trẻ học cách trân trọng những điều thiết yếu, tìm thấy sự hài lòng trong những giá trị giản đơn.
Sự tiết chế hôm nay có thể là bài học bền vững cho tương lai, dù được bắt đầu từ những bước đi rất nhỏ.
NGHIÊM THANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/cat-tra-sua-mang-com-di-lam-gen-z-song-toi-gian-bat-dac-di-131050.html