Chu Vĩ sinh năm 1991, trong một gia đình có 4 anh chị em ở Ngũ Đài (Sơn Tây, Trung Quốc). Ở tuổi lên 2, anh được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Sơn Tây chẩn đoán bị bại não. Ngoài ra, anh còn bị hạ đường huyết bẩm sinh và chậm phát triển. Dù cuộc sống rất khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng vay mượn để đưa Chu Vĩ đi khám khắp nơi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không thành, cuối cùng gia đình phải quyết định từ bỏ việc chữa chạy.
Mong muốn con cũng được đến trường như bạn bè đồng trang lứa, mẹ Chu Vĩ đi đến nhiều nơi để xin học cho con. 10 tuổi, Chu Vĩ mới được một trường tiểu học nhận với tư cách là học sinh dự thính. Thế nhưng, do gặp rào cản về ngôn ngữ cộng với việc không thể làm bài tập về nhà và hoàn thành các kỳ thi, Chu Vĩ buộc phải nghỉ học từ lớp 5.
Không được đến trường, Chu Vĩ ở nhà phụ bố mẹ bán hàng và làm ruộng. Chính trong khoảng thời gian này, gia đình phát hiện ra tài năng Toán học của anh. Ban đầu chỉ là những phép tính đơn giản về sau ngay cả các bài toán phức tạp, anh cũng giải quyết một cách nhanh chóng.
Chu Vĩ - thiên tài Toán học của Trung Quốc. Ảnh: Baidu
Năm 2014, tham gia chương trình Siêu trí tuệ do Đài Truyền hình Giang Tô tổ chức, Chu Vĩ gây ấn tượng với khán giả bằng khả năng ghi nhớ tốt và phản xạ nhanh. Thậm chí, Chu Vĩ còn đánh bại cả Giáo sư Toán học Từ Chấn Lễ của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) chỉ sau một phép nhân dãy số gồm 14 chữ số. Trong khi, Chu Vĩ mất chưa đầy 1 phút để đưa ra kết quả chính xác thì GS Lễ vẫn vò đầu bứt tai.
Sau khi vượt qua nhiều vòng thi, thiên tài Toán học Chu Vĩ trở thành thí sinh duy nhất của mùa 1 đạt điểm tuyệt đối 150/150. Kết thúc cuộc thi, anh bắt đầu nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bên cạnh những người ủng hộ tài năng của Chu Vĩ, một bộ phận khác lại cho rằng, chương trình dàn dựng, cắt ghép và cho anh biết trước đáp án.
Trước những ý kiến trái chiều, gia đình đưa Chu Vĩ đến Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) để thực hiện các bài kiểm tra năng lực. Kết quả cho thấy, khả năng Toán học của Chu Vĩ tốt hơn người bình thường. Sau đó, Viện Khoa học Giáo dục quốc gia (Trung Quốc) cũng sử dụng công nghệ hình ảnh não để theo dõi và phân tích các hoạt động não của anh. Kết quả, biên độ sóng não của anh lớn hơn nhiều so với mọi người.
Dù tài năng Toán học của Chu Vĩ được phát hiện muộn nhưng giờ đây anh đã có một công việc ổn định với thu nhập tốt. Khả năng ngôn ngữ cũng được cải thiện, Chu Vĩ đã tự tin hơn trong giao tiếp. Theo Sohu, hiện Chu Vĩ làm trong bộ phận nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Chu Vĩ tại chương trình Siêu trí tuệ Trung Quốc năm 2014. Video: Weibo