Câu cá sông Hồng

Câu cá sông Hồng
15 giờ trướcBài gốc
Một tay câu buông cần từ vườn chuối bị ngập sau bão Yagi.
Nguyễn Đức Thăng (42 tuổi), lái xe cho một công ty thương mại có trụ sở ở Thanh Trì, Hà Nội. Anh không nhậu, rượu bia ít uống, thú vui duy nhất của anh là câu cá. Trừ lúc đi làm hoặc có việc nhà, cứ rảnh là anh xách cần ra sông.
Thăng là một trong số những tay câu cá sông thường xuyên có mặt ở bãi sông Hồng, đoạn chảy qua các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc của huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dân câu thì đủ loại thành phần: người làm công nhân, nhân viên xe buýt, chủ xưởng, bác sỹ, những cán bộ về hưu. Sông Hồng chảy từ Lào Cai về, đến đây mở về bên hữu ngạn (đê Hữu Hồng) tạo nên một vùng vịnh, nước tương đối lặng. Vịnh kéo từ Yên Mỹ đổ qua Duyên Hà thì gặp bờ kè ngang, lượn về bên trái và xuôi xuống Vạn Phúc. Có vịnh, là nơi nước khá tĩnh, bèo rác, củi khô ở đầu nguồn tấp vào, là nơi cá tìm đến cư ngụ nên cũng trở thành điểm câu yêu thích của nhiều cần thủ.
Nơi có cá đương nhiên sẽ tụ tập dân kiếm cá. Trên bờ người câu, dưới nước người giăng lưới, kẻ kích điện. Ngày thường, bãi sông cũng có ít nhất cả chục tay câu, đến hai ngày cuối tuần thì đông như hội, ai ra sớm không có chỗ mà ngồi. Thấy cảnh ấy, một số nhà có đất ven sông liền trưng biển “có chỗ câu cá sông”. Ở khu Bãi Chuối, xã Yên Mỹ, ông chủ đất cho phép các tay câu vào trong khu trại nhà mình để tiếp cận bờ sông. “Cá là của sông, đất của tôi, các ông vào thì nộp mỗi người 20 nghìn đồng tiền gửi xe” - ông chủ đất nói.
Thăng bảo đoạn vịnh sông kéo dài vài km nhưng không phải khúc nào cũng tụ cá. “Chỗ ấy phải có dòng chảy ra, có hủm sâu ít nhất 5m nước trở lên”, Thăng nói. Đoạn sông trước Bãi Chuối trước đây người ta khai thác cát nên tạo ra một cái vực dưới lòng sông. Bình thường đoạn này chỉ 2-3m nước nhưng có hủm sâu nên dân câu tinh ý kéo nhau đến. Nhưng ông chủ đất chỉ cho câu từ 6h sáng đến 6h chiều, muốn câu tối, cần thủ phải ra chỗ khác.
“Câu cá sông thích nhất là thời điểm sau lũ, cá trên thượng nguồn đổ về, nhưng quan trọng hơn là cá trong các hồ nuôi sổng ra” - ông Cường, dân hưu trí, cần thủ lâu năm, cư dân làng Yên Mỹ, nói. Những lúc đó, ông Cường không chỉ mang cần mà còn đem theo vợt để bắt những con cá trôi, cá mè, cá chép từ các hồ nuôi khắp khu vực Thanh Trì theo dòng nước bơm xả lũ của trạm xử lý nước thải Yên Sở trôi ra sông. Bọn cá này phần bị máy bơm làm cho mệt lử, phần lạ nước nên cứ nổi lên, bơi loanh quanh bờ. “Có hôm, tôi vớt được cả tạ cá mè, cứ 2-3 kg một con” - ông Cường cho hay.
Đám dân câu cá sông Hồng còn biết rõ mỗi tháng vào mùng 1 hay 15 âm lịch, nhiều người mang cá ra phóng sinh. “Thích nhất là hôm nào có người thả cá chép, cứ cân rưỡi hai cân một con, có khi hơn” - ông Cường nói. Bọn cá phóng sinh này vốn ở trong ao, được nuôi bằng cám công nghiệp, khi được thả ra sông rất ngờ ngệch. Chúng nó lạ nước, không dám bơi xa, chỉ quanh quẩn ở trong vịnh, hoặc bị dính lưới, hoặc dính câu, đến tối đám kích điện đi rà quanh bờ là tóm được. Chẳng mấy chốc mà lũ cá phóng sinh đã bị bắt lại.
Cũng có hôm người ta phóng sinh bằng cá trê lai, 2-3 kg một con. Anh Phúc - người làng Duyên Hà chuyên thả lưới và bát quái ở đoạn sông này cho biết có hôm, anh bắt được vài chục con trê lai to. Loại này dân câu và chài lưới không thích do thịt nhão, lắm mỡ. Một thời gian sau khi được thả, con nào không mắc lưới hay dính câu thì sẽ teo người lại còn chừng hơn một cân. “Những con ấy lại ăn ngon, vì thịt đã săn chắc hơn mặc dù nhỏ hơn trước” - Thăng cho biết.
Theo kinh nghiệm của Thăng, chép sông trọng lượng 1-2 kg là ngon nhất, to hơn hoặc nhỏ hơn đều không bằng. Nhỏ thì thịt nhão, to tuy thịt dai hơn nhưng nhạt, càng to càng nhạt dần. Trê lai từ 7-8 lạng đến 1,2 kg thì ngon nhất. Cá mè thì khác hẳn, càng to càng tốt.
Nhưng ở đoạn sông Hồng này đáy chủ yếu là cát, bùn, nên cá cũng là những loài thích sống trong môi trường ấy. Phổ biến nhất là chép, trê, rô phi, mương, ít hơn có chày, ngạnh, nheo, ngão, măng. Mỗi loài cá lại có những loại mồi ưa thích. Ai câu chép thì thường sử dụng mồi bột, là các loại ngũ cốc tẩm hương liệu trộn nước, vê vào lưỡi câu như hạt lạc, ấy là câu tay, dân chuyên hay gọi là câu Đài, tức là môn câu kiểu Đài Loan. Vốn cách câu này xuất xứ từ phương pháp câu Herabuna của Nhật Bản, dùng cần tay dài, phao que rất nhạy, lưỡi đôi, mồi bột, nền tảng kỹ thuật giống đến 80-90% câu Đài. Chẳng rõ vì sao sang Việt Nam lại gọi là câu Đài, có lẽ do người Việt qua Đài Loan làm việc rồi mang về chăng?
Nếu không câu Đài thì bóp cám vào lò xo, gắn 4-6 lưỡi câu có mắc hạt xốp, neo chì nặng, quăng ra xa. Cách này gọi là câu lăng xê (lancer), cũng không rõ vì sao có cái tên ấy.
Ngoài ra, dân câu sông Hồng còn dùng các loại mồi thịt sống như giun đất, lòng gà lòng vịt, gan lợn… để câu các loại cá săn mồi, cá ăn thịt như trê, chày, ngạnh, nheo. Nhưng câu Đài và lăng xê vẫn phổ biến hơn cả.
Chỉ có điều, thời gian gần đây, cá sông Hồng ngày càng thưa vắng. “Có buổi đi mua mồi hết 100 ngàn đồng mà ngồi từ sáng đến chiều không có con cá gì ra hồn ngoài mấy con chép ông Công ông Táo” - ông Cường nói.
Quả vậy, mấy năm nay, cá chép đỏ ở sông Hồng nhiều vô kể. Chúng bơi hàng đàn, có lúc dạt vào bờ đỏ cả một vạt nước, toàn những con 2- ngón tay. Cá chép đỏ không phù hợp sống ở sông lớn nên sau một thời gian được thả phóng sinh thường không trụ được. “Có lúc thấy chết cả đám, sóng đánh dạt hết lên bờ” - ông Cường kể.
Tuy nhiên, vẫn có một số chép đỏ thích nghi được và lớn lên, cạnh tranh nguồn thức ăn với các loại cá sông truyền thống. “Cá chép đỏ thịt nhão và nhạt, chẳng ai muốn lấy về ăn” - Thăng cho hay.
Ông Cường bảo thời ông còn trẻ, “làm gì có ai thả cá chép đỏ, vẫn là các loại cá chép ta thông thường”. Sau này có lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa” mới sinh ra giống cá nhân tạo này. Nhưng ông Cường nhẩm tính: Mỗi năm, người ta thả ra sông không biết bao nhiêu cá chép đỏ, nếu thay bằng cá chép ta thì dòng sông đã tăng thêm nguồn lợi thủy sản đáng kể.
Chỉ tính riêng làng cá chép đỏ Thủy Trầm ở Phú Thọ thì mỗi vụ ông Công ông Táo cũng “xuất chuồng” trên dưới 40 tấn. Số cá này lại được thả ra sông hồ khắp nơi. Mà cả nước còn nhiều làng cá chép đỏ khác nữa, nên chuyện chép đỏ đầy các sông ngòi là lẽ dĩ nhiên.
Sau bão Yagi, khu vực vịnh sông bị một phen náo loạn. Nhà cửa ngập sâu trong nước, dân câu cả tháng trời không thấy được bờ sông. Sau khi lũ rút, bờ sông ngập trong bùn dày cả mét, đến vài tháng sau mới dần ổn định trở lại. Lũ rút, cá cũng biến mất. Cứ tưởng chỉ vài tháng sau thì tình hình sẽ khá trở lại, nhưng suốt từ tháng 8/2024 đến nay là tháng 4/2025 rồi mà bến sông vẫn tiêu điều, dân câu dù ngày ngày vẫn ra sông nhưng chỉ biết nhìn nhau ngao ngán. Rô phi, thứ cá ngày trước vừa nhiều vừa đẻ nhanh, đâu cũng có thì nay gần như biến mất. Ngoài vài con trê bằng 2-3 ngón tay thì chủ yếu là chép đỏ đớp mồi. “Chẳng biết vì sao, nhưng bọn kích điện ngày ngày lũ lượt 5-7 thuyền diễu qua đây mà chẳng ai phạt, cá nào mà sống, mà sinh sản được” - Thăng nói.
Từ khi chiều nào cũng câu, Thăng nay chỉ xách cần ra sông vào hai buổi tối cuối tuần. Thế mà tuần trước, một chuyện khiến anh phải nghĩ lại việc câu đêm.
Chiều hôm ấy, dân câu phát hiện xác một cô gái dạt vào bến sông, thi thể đang phân hủy mạnh, mùi bốc lên nồng nặc. Cơ quan chức năng đến hiện trường, dựng lều khám nghiệm pháp y ngay tại bờ sông. Người ta nói cô này tự tử ở đâu đó, xác dạt về đây. Thi thể được đặt trên tấm bạt nylon mặt xanh, mặt kia màu cam. Sau khi khám nghiệm, người ta đưa thi thể đi chôn cất, tấm bạt được cuộn lại, bỏ xuống vệ sông, nơi có mấy lùm cây bụi.
Buổi chiều nghe chuyện, Thăng đã thấy hơi rờn rợn, vì anh định câu đến 9h tối. Nhưng tầm 8h, cá ăn thưa, nhiều người bỏ về, Thăng chỉ còn một mình. Mải nặn mồi, lúc ngẩng lên đã thấy bến sông vắng lặng, tối om, không còn ai. Thăng cũng thu cần đi về. Lúc đi ngang qua lùm cây, trong ánh trăng mờ, anh nhìn thấy tấm bạt màu cam hồi chiều. “Hồi trước hay đi chợ quê, thấy người ta thường bày thịt lên tấm bạt kiểu này. Nghĩ lại chuyện ban chiều, tự nhiên rợn hết tóc gáy, vội vàng lên xe chạy thẳng không ngoái đầu lại” - Thăng kể.
Ấy thế mà chỉ một tuần sau, lại thấy anh ở bến sông lúc chiều tối. “Nghỉ mãi thấy bứt rứt nên nay lại xách cần đi. Miễn mình không về cuối cùng là được”, Thăng nói.
Trúc Mai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cau-ca-song-hong-10304913.html