Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ nếu được triển khai xây dựng.
Qua sông lụy… phà
Ngồi trên xe máy trong lúc chờ qua phà Bình Khánh, anh Đặng Minh Nhật (quận 10) nói mình có việc để qua huyện Cần Giờ để giao công văn cho văn phòng công chứng. Gần như mỗi tuần anh Nhật đều phải di chuyển từ quận trung tâm sang huyện Cần Giờ. Dù khoảng cách chưa đầy 50km, nhưng anh Nhật thường mất cả ngày để đi về, mà nguyên nhân là do chờ phà Bình Khánh.
Theo anh Nhật, nhiều khi đi Củ Chi với khoảng cách tương đương, nhưng chỉ trong một buổi là có thể xong việc vì đường sá thuận tiện, không có cảnh qua sông chờ… phà. “Mỗi khi được phân công đi Cần Giờ là tôi cảm giác mệt mỏi. Mong sao Nhà nước sớm làm cầu để tạo điều kiện cho người dân qua lại nhanh chóng. Chứ mỗi lần muốn qua Cần Giờ mà đợi chờ như kiểu này thì oải lắm” - anh Nhật chia sẻ.
Tuy nhiên, dân Cần Giờ mới là những người khát khao được đi trên cây cầu bắc qua sông Soài Rạp từ bao đời. Khi phà cập bến phía Cần Giờ, chúng tôi gặp một người phụ nữ với giọng nói Nam bộ. Bà giới thiệu tên Nguyễn Thùy Vân (60 tuổi, ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ). Bà cho biết mình sinh ra và lớn lên ở Cần Giờ, từng chứng kiến bao sự đổi thay chóng mặt của mảnh đất này. Thế nhưng, có một việc mà bà Vân và bà con vẫn “đau đáu” chính là cây cầu Cần Giờ.
Chuyến phà Bình Khánh qua lại giữa Nhà Bè và Cần Giờ. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Theo bà Vân, nếu có cây cầu thì người dân như bà ở đây rất mừng, bởi việc đi lại sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với đi phà. Đây là niềm mong mỏi, tha thiết chính đáng của bao thế hệ người dân nơi đây về một cây cầu khang trang, xứng tầm để kết nối đôi bờ và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. “Mong chính quyền sớm xây cây cầu để thay thế phà Bình Khánh. Nếu trễ quá chắc tôi không có cơ hội được đi” - bà Vân bộc bạch.
Với cùng nỗi niềm, anh Nguyễn Tuấn Tài, một tài xế xe tải, cho biết cứ 10-15 ngày là anh có chuyến xe chở hàng từ tỉnh Bình Thuận đến huyện Cần Giờ. Quãng đường tuy xa nhưng không ngán bằng cảnh chờ phà. Nếu suôn sẻ thì mất khoảng 30 phút, nhưng gặp giờ cao điểm thì mất cả tiếng chỉ để qua được sông Soài Rạp.
Vì vậy, anh Tài cũng hy vọng sớm có cầu thế phà Bình Khánh để cho xe cộ lưu thông qua lại nhanh chóng, còn người dân, doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí tiền vé qua phà.
Theo anh Tài, ngoài thời gian, chi phí cũng tạo gánh nặng không nhỏ lên doanh nghiệp vận tải. Chẳng hạn, xe tải 13 tấn của anh Tài mỗi một chuyến cả đi và về, tiền vé qua phà tới 640.000 đồng, theo biểu phí mới từ ngày 5-5 (tăng gấp đôi so với giá vé cũ là 370.000 đồng). “Nếu có cầu thì tôi sẽ bớt áp lực hơn vì chỉ khoảng 95.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với đi phà như hiện nay” - anh Tài nhẩm tính.
Chờ quy hoạch chung
Tháng 8-2016, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh hiện hữu, giao Bộ Giao thông Vận tải (nay Bộ Xây dựng) rà soát, bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.
Sau đó, UBND TPHCM cũng đã trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ tại kỳ họp giữa năm 2024. Theo thiết kế, dự án cầu Cần Giờ là cây cầu dây văng lớn nhất TPHCM, biểu tượng hình cây Đước, có chiều dài 7,3km. Trong đó, phần cầu dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h, tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gói thầu xây dựng cầu.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã từng yêu cầu vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thực hiện các thủ tục có liên quan đến dự án. Đồng thời, UBND TPHCM giao các sở ngành và các đơn vị liên quan rà soát kỹ phương án thiết kế để đảm bảo chuẩn xác về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, lộ giới, phương án kết nối giao thông hai bên đầu cầu để tránh việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Theo Sở Xây dựng, từ tháng 12-2023, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được trình Hội đồng thẩm định TPHCM. Tuy nhiên, do điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt nên dự án cầu Cần Giờ chưa đủ cơ sở để trình HĐND TPHCM xem xét chủ trương đầu tư.
Sau khi quy hoạch chung của TPHCM được thông qua, Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cầu Cần Giờ trong năm nay. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ ngay trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm đến huyện Cần Giờ từ gần 2 tiếng xuống còn 30-45 phút, cũng như kết nối nhanh đến Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
Đình Dư