Câu chuyện ít biết về 'bộ tứ' đã tạo ra Google Maps

Câu chuyện ít biết về 'bộ tứ' đã tạo ra Google Maps
9 giờ trướcBài gốc
Ông Stephen Ma, một trong những người đã tạo Google Maps. Ảnh: Guardian
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Ma chia sẻ: "Tôi là người kín tiếng. Tôi không mấy thoải mái với sự chú ý từ công chúng".
Kể từ khi ra mắt vào ngày 8/2/2005, Google Maps đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, trở thành dịch vụ thiết yếu. Google Maps vươn mình thành một gã khổng lồ trực tuyến với hơn 2 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn thế giới và vẫn đang trên đà mở rộng không ngừng về phạm vi và quy mô.
Google Maps cũng là “trợ thủ đắc lực” cho vô số nền tảng của bên thứ ba như Airbnb, Uber, nền tảng giao đồ ăn và thương mại điện tử...
Vào đêm trước lễ kỷ niệm 20 năm của Google Maps, kỹ sư phần mềm người Australia 54 tuổi Stephen Ma đã thay đổi suy nghĩ. Ông muốn kể lại câu chuyện về nền tảng của mình, cũng như ghi nhận những người có đóng góp nhưng bị đánh giá thấp hoặc lãng quên.
Từ căn phòng nhỏ
Câu chuyện của Ma bắt đầu từ thị trấn Cooma của New South Wales, nơi gia đình ông điều hành một nhà hàng Trung Quốc. Khi không đi học, Ma làm việc tại quầy thu ngân nhà hàng, xử lý đặt chỗ và đơn đặt hàng mang về. Tuy nhiên, ông đánh giá bản thân có một tuổi thơ bình thường với phần lớn thời gian bên màn hình. Ma chơi điện tử và học cách lập trình trên máy tính Apple II. Đến năm 1998, Ma tốt nghiệp đại học và làm việc tại Sydney. Sau đó, ông tìm được việc làm ở Thung lũng Silicon (Mỹ), đúng lúc cơn sốt dotcom trên đà lên đến đỉnh điểm. Sau đó, bong bóng vỡ và đến đầu những năm 2000, Ma cùng hàng nghìn người khác trong ngành công nghệ thất nghiệp.
Cơn sốt dotcom bùng nổ trong giai đoạn năm 1995–2000 là thời điểm thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhanh chóng và không bền vững, cụ thể là trong việc định giá cổ phiếu của các công ty Internet và công nghệ, thường được gọi là các công ty dotcom, với ít hoặc không có hồ sơ về lợi nhuận hoặc có mô hình kinh doanh không thực tế. Trong thời kỳ bong bóng dotcom, chỉ số Nasdaq Composite tăng gấp gần 7 lần.
Sau khi trở về Sydney, Ma được một đồng nghiệp cũ có tên Noel Gordon liên lạc. Gordon mời Ma tham gia cùng anh và 2 kỹ sư phần mềm thất nghiệp khác - anh em người Đan Mạch Jens và Lars Rasmussen - để làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Ý tưởng lớn của họ là xây dựng nền tảng lập bản đồ mới.
Vào thời điểm đó, công ty dẫn đầu thị trường về bản đồ trực tuyến là MapQuest, đã được gã khổng lồ internet AOL mua lại vào năm 1999 với con số khủng 1,1 tỷ USD. Nhưng MapQuest rất cồng kềnh với người dùng phải in hướng dẫn từng chặng từ máy tính.
Tự gọi mình là Where 2 Technologies, nhóm 4 người làm việc tại phòng ngủ dự phòng trong căn hộ của Gordon ở ngoại ô Hunters Hill của Sydney và bắt đầu xây dựng một chương trình ứng dụng Windows mà họ gọi là Expedition.
Where 2 Technologies sau đó gửi mẫu thử cho Sequoia Capital, công ty đầu tư mạo hiểm huyền thoại của Thung lũng Silicon. Nhóm 4 người kỳ vọng sẽ nhận được một khoản đầu tư và nhờ đó giảm bớt áp lực cho khoản tiết kiệm cá nhân đang cạn kiệt cũng như thẻ tín dụng đã hết hạn mức của họ.
Nhưng vào tháng 3/2004, Yahoo Maps ra mắt một tính năng mới có tên SmartView, cho phép người dùng thực hiện tìm kiếm dựa trên bản đồ để tìm nhà hàng và địa điểm giải trí. Ngày nay, đây là tính năng tiêu chuẩn trên tất cả các bản đồ trực tuyến nhưng ở thời điểm đó, tính năng của SmartView quá ấn tượng khiến Sequoia Capital không còn mấy mặn mà với Where 2 Technologies.
Để an ủi, Sequoia Capital giới thiệu Where 2 Technologies với Google, vốn là một trong những khách hàng lớn của họ. Và Where 2 Technologies đã trình bày mẫu thử của họ với Larry Page, một trong những người đồng sáng lập Google.
Gặt hái thành công
Trụ sở Google tại Mountain View, California (Mỹ). Ảnh: Kyodo/TTXVN
Larry Page ấn tượng nhưng không hứng thú với phần mềm máy tính để bàn. Google chỉ quan tâm nếu các tính năng bản đồ hoạt động trong trình duyệt web.
Where 2 Technologies lập tức bắt tay tạo phiên bản web cho chương trình của họ bằng cách sử dụng một bộ kỹ thuật phát triển web ít được biết đến khi đó có tên Ajax. Điều này giúp chương trình của họ tự cập nhật, mà không cần phải làm mới toàn bộ trang.
Thay vì tải hình ảnh bản đồ khổng lồ, trang web sẽ tải nhiều ô bản đồ nhỏ hơn và hiển thị chúng khi cần. Nó mang lại cảm giác chuyển động năng động mà chúng ta hiện đang trải nghiệm trên tất cả các nền tảng bản đồ trực tuyến.
Với bản mẫu thử thành công. Google đã thuê Where 2 Technologies và sau đó mua lại quyền sở hữu trí tuệ của họ với mức giá không được tiết lộ.
Ngày 7/6/2004, Where 2 Technologies đến làm việc với tư cách là nhân viên của Google tại văn phòng ở Sydney của công ty, khi đó chỉ có 6 nhân viên bán hàng. Tám tháng sau, Google Maps trình làng.
Yếu tố gây tranh cãi
Giáo sư Scott McQuire tại Đại học Melbourne nhận xét: “Đó là một sản phẩm tuyệt vời và họ đã rất thành công. Nhưng Google Maps hoạt động trên cơ sở trích xuất dữ liệu. Nó thu thập thông tin vị trí, vì vậy, đó là dữ liệu rất có giá trị đối với mọi loại người muốn thu thập thông tin về bạn”.
Về phần mình, Ma chia sẻ, thương mại hóa và khai thác dữ liệu không nằm trong tầm ngắm khi ông tạo Google Maps. Những điều này xuất hiện sau khi ông chuyển sang các dự án khác vào năm 2006. “Tôi không nghĩ chúng tôi đã nghĩ về nó quá nhiều vào thời điểm đó”, ông nói.
Ông thừa nhận lo ngại về quyền riêng tư và cho rằng nhiệm vụ giữ cho các công ty trung thực và minh bạch một phần nằm trong tay người dùng và một phần là trách nhiệm của chính phủ. “Vấn đề lớn nhất là bối cảnh công nghệ thay đổi quá nhanh. Rất khó để các cơ chế quản lý này theo kịp”, Ma nhận xét.
Ma không phải là kiểu người lắm lời, ông hơi luộm thuộm, truyền thống và không thích tán gẫu. Nhưng ông tự hào về vai trò của mình trong việc đưa Google Maps vào hoạt động.
Về việc ai được ghi nhận công trạng, Ma cho biết mặc dù ban đầu có 4 người trong Where 2 Technologies, nhưng phần lớn lời khen ngợi nên dành cho anh em Jens và Lars Rasmussen bởi ngay từ đầu đó là ý tưởng của họ. Cũng có những người khác mà đóng góp của họ đã bị bỏ qua. Cụ thể, Ma nêu tên Bret Taylor, James Norris, Andrew Kirmse và Seth LaForge, những người có tên trong bằng sáng chế Google Maps ban đầu.
Hiện nay, Ma đang làm việc với đối tác trong một liên doanh có tên Reggie Health, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các nhiệm vụ hành chính cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Kể từ khi rời Google cách đây 14 năm, Ma chỉ làm việc trong các công ty khởi nghiệp. Cho đến thời điểm này, chưa có công ty nào thành công. Nhưng điều đó không khiến ông chùn bước. Ông là người thích giải quyết các vấn đề và tìm ra giải pháp.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/cau-chuyen-it-biet-ve-bo-tu-da-tao-ra-google-maps-20250209222822868.htm