Câu chuyện phía sau bảng lương 'trong mơ' của nữ công nhân khiến nhiều người chùn bước

Câu chuyện phía sau bảng lương 'trong mơ' của nữ công nhân khiến nhiều người chùn bước
2 ngày trướcBài gốc
Vừa qua, một nữ công nhân tại Tiền Giang "khoe" bảng lương tháng 1 khoảng 25 triệu đồng và tháng 2 khoảng 21 triệu đồng của mình lên mạng xã hội đã gây nhiều tranh luận.
Là lao động phổ thông, nhìn vào mức lương đáng mơ ước ấy, nhiều công nhân đã xin ngay tên, địa chỉ công ty để đến ứng tuyển. Tuy nhiên, khi nhìn đến tổng thời gian làm việc của nữ công nhân này, nhiều người không khỏi nhụt chí.
Trong tháng 2, nữ công nhân này tăng ca 149 giờ.
Theo đó, cô đã làm việc 12 tiếng/ngày, có xoay ca đêm và làm tất cả ngày lễ, ngày Tết, ngày nghỉ (Chủ Nhật). Trong tháng 1, cô tăng ca tổng cộng 200 giờ, tháng 2 là 149 giờ (theo quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm, với một số ngành nghề không quá 300 giờ/năm)
Việc nữ công nhân có thu nhập cao trong 2 tháng đầu năm còn có nguyên nhân khác là cô không nghỉ Tết nên ngoài được trả lương ngày Tết (300%), cô còn được thưởng 1,9 triệu đồng/tháng (vì đã làm việc ngày Tết).
Ca kíp triền miên, nhiều công nhân phải gửi con về quê do không có thời gian chăm sóc gia đình.
Nhiều người cho rằng làm việc liên tục với thời gian làm việc dài (12 giờ/ngày), không có ngày nghỉ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài mà còn khiến người lao động bị mất kết nối với xã hội, không có thời gian cho gia đình, bản thân.
Mặt khác, lương cơ bản của cô công nhân trên chỉ 4,5 triệu đồng/tháng là rất thấp và là vấn đề lớn khi tính hưởng chính sách BHXH như thai sản, ốm đau, chế độ hưu trí… sau này.
Chị Trần Thị Út Lan, công nhân của Công ty TNHH sản xuất đan len Đ.H (quận Bình Tân, TP HCM) thừa nhận việc làm thêm giờ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình.
Khi mới vào công ty cách đây hơn 3 năm, vì mức lương cơ bản thấp (hơn 5 triệu đồng/tháng) chị chấp nhận tăng ca đến 20,21 giờ đêm mỗi ngày, riêng Chủ nhật làm việc đến 16 giờ 30 phút. Mỗi tháng chị nhận được 11-12 triệu đồng.
Song, con trai đang học cấp 1 không có người đưa rước, bữa cơm gia đình không ai lo. Gia đình có khi cả tháng trời không cùng nhau ăn được một bữa cơm đàng hoàng. Bản thân chị mỗi ngày tan ca, trở về phòng trọ đều kiệt sức, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng.
"Sức khỏe giảm sút cộng với việc con còn nhỏ nên cuối cùng, tôi chọn từ chối tăng ca để có thời gian cho con. Điều đó đồng nghĩa với lương thấp, cuộc sống gia đình lúc nào thiếu thốn"- chị nói.
Nữ công nhân rất hy vọng mức lương cơ bản sẽ sớm được cải thiện để cuộc sống ổn định hơn, nhất là với những công nhân có gia đình, con nhỏ. Bởi rất nhiều đồng nghiệp của chị vì vấn đề tăng ca và chi phí sinh hoạt đã gửi con về quê, chấp nhận xa con và các con thì không nhận được sự chăm sóc thường xuyên từ cha mẹ.
Link gốc: https://nld.com.vn/cau-chuyen-phia-sau-bang-luong-trong-mo-cua-nu-cong-nhan-khien-nhieu-nguoi-chun-buoc-196250330093835739.htm?
Theo Người Lao Động
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/cau-chuyen-phia-sau-bang-luong-trong-mo-cua-nu-cong-nhan-khien-nhieu-nguoi-chun-buoc-post1729548.tpo